TIN THỦY SẢN

“Nhà sáng chế” đất Sông Khoai

“Nhà khoa học nông dân” Đinh Văn Giang giới thiệu về loại máy xay đa năng. Văn Ngọc Thủy

Một lần về công tác tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, tôi được nghe câu chuyện thú vị về "nhà khoa học nông dân" Đinh Văn Giang. Gặp gỡ và tận mắt chứng kiến những sáng chế của anh đang từng ngày từng giờ giúp bà con nông dân Quảng Yên ăn nên làm ra mới thấy hết được sự sáng tạo của "nhà sáng chế chân đất" này…

"Mình là nông dân, phải tìm cách giúp bà con"

Xưởng sản xuất kiêm luôn nhà ở của gia đình anh Đinh Văn Giang nằm ngay sát ngã ba đường, gần khu chợ dân sinh của xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên. Ngôi nhà hai tầng đã cũ, tầng trên là nơi sinh hoạt của vợ con anh, bố mẹ già, còn toàn bộ tầng dưới là la liệt máy móc, vật liệu. Khoảng vườn trước sân cũng được anh Giang tận dụng lợp tôn, quây tường làm nơi chứa máy móc. Xưởng thường xuyên có 6-7 công nhân làm việc, trong số đó có cả những thợ cơ khí đã từng làm việc cho các nhà máy đóng tàu trên địa bàn, những thanh niên địa phương tốt nghiệp phổ thông muốn tìm học một nghề phù hợp. Lúc chúng tôi đến, Giang vắng nhà, bố anh cho biết anh đang đi lắp máy hút bùn cho một khách hàng ở xã bên.

Trò chuyện với những người thân trong gia đình, được biết Đinh Văn Giang sinh năm 1968 trong một gia đình có 11 người con. Từ nhỏ Giang đã nổi tiếng là người khéo tay, tự mình làm đồ chơi từ đất sét, sắt vụn đẹp y như thật. Học hết lớp 10, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh sớm lăn lộn làm đủ mọi nghề để kiếm sống: Đi sông, ra đảo Cô Tô đánh cá, trồng khoai, cấy lúa… chẳng nề hà việc gì. Sông Khoai là một xã thuần nông ven biển, ngoài trồng lúa chỉ có nghề đánh cá, chăn nuôi giúp bà con có thêm thu nhập nhưng mọi công việc chủ yếu làm thủ công nên năng suất không cao. Bên cạnh đó, nhiều gia đình ở Sông Khoai tận dụng các diện tích đầm lớn ven biển để thả cá, nuôi thủy sản nên việc tạo ra một nguồn thức ăn lớn hằng ngày là không hề đơn giản. Nhìn bố mẹ, anh chị em, bà con mình vất vả, Giang tự tìm tòi chế tạo chiếc máy xay đa năng đầu tiên, đó là máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm. Năm 2000, sau nhiều ngày tháng mày mò, thử nghiệm, chiếc máy xay đa năng đầu tiên ra lò. Sản phẩm đầu tay này mang nhiều tính năng đặc trưng áp dụng cho riêng vùng quê anh, nơi có nhiều bãi bùn lầy mọc kín toàn năn, lác, bèo tây - những thứ cỏ dại cản trở dòng chảy mà mang về nhà thì không giúp gì được cho việc chăn nuôi.

Đúng như tên gọi "máy xay đa năng", chỉ cần từ 3 đến 5 phút, máy đã xay nhuyễn được khoảng 50kg thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm. Chiếc máy ra đời không chỉ thay thế công đoạn băm rau, nấu cám của người chăn nuôi mà còn rút ngắn đáng kể thời gian chế biến cũng như công sức bỏ ra. Điều đặc biệt nữa là, với khả năng xay nhuyễn, máy còn giúp bà con tận dụng được những cây mọc hoang như bèo tây, năn, lác… Những loại cây này bình thường gia súc, gia cầm sẽ không ăn nhưng sau khi xay nhuyễn, trộn với bột ngô, cám gạo hay phế phẩm trong chế biến thủy sản, sản xuất bia… thì lại trở thành món ăn ưa thích của vật nuôi. Được các nhà khoa học gọi là "công nghệ chăn nuôi xanh", máy có thể thay thế hoàn toàn phương thức chăn nuôi cũ, nghĩa là bà con không phải băm thái rồi nấu chín mà chỉ cần xay nhỏ thức ăn, ủ men trong hai, ba ngày là dùng được. Thức ăn mịn, thơm ngon, an toàn, nên gia súc, gia cầm nuôi bằng công nghệ này chất lượng thịt cũng cao hơn hẳn.Vì vậy, nhờ sự giúp sức của máy xay đa năng, một lao động bình thường cũng có thể chăm sóc được hàng trăm con lợn, hàng nghìn con gà vịt, hàng nghìn mét vuông đầm thả cá. Ngoài tiết kiệm được đáng kể chi phí mua rau xanh, chiếc máy này còn góp phần làm sạch môi trường nông thôn, khắc phục được tình trạng năn, lác làm cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến giao thông trên nhiều đoạn sông, lạch.

Với giá thành chỉ 5,8 triệu đồng, dễ vận chuyển lắp đặt, dễ sử dụng, vận hành, hiệu quả kinh tế cao…, chiếc máy xay đa năng của anh Giang giờ đã có mặt ở hầu hết các hộ chăn nuôi lớn vùng Hòn Gai, Quảng Yên. Một số khách hàng ở các tỉnh, thành khác cũng đã tìm đến anh để đặt hàng. Tính đến thời điểm hiện nay, khoảng 200 máy xay đa năng của "nhà sáng chế" đất Sông Khoai đã được đưa vào sử dụng…

Thêm một sáng chế nữa của Giang cũng được bà con quê anh rất tín nhiệm, đó là chiếc máy đào ao hút bùn. Cũng xuất phát từ thực tế địa hình xã Sông Khoai nhiều đầm lầy, vùng ruộng trũng cấy lúa cho năng suất thấp nên địa phương chủ trương cho người dân chuyển đổi thành ao đầm nuôi thủy sản. Hằng ngày, nhìn bà con vất vả đào ao, nạo vét đầm lầy bằng những phương tiện thô sơ vô cùng nặng nhọc mà khối lượng công việc không tiến triển được là bao, Giang lại mày mò chế tạo máy hút bùn. Máy có hộp số, phần trục đào dùng bằng khớp mềm và cao su rất linh hoạt, các bộ phận vận hành bằng vòng bi, chân đào thiết kế dạng xoắn, có đường ống dẫn bùn đến vị trí đã định… nên cho năng suất cao lại ít hỏng hóc, chi phí nguyên liệu thấp, sửa chữa dễ dàng và rất phù hợp với quy mô trang trại hộ gia đình. Máy còn được thiết kế với công suất linh hoạt, từ 8 đến 24 mã lực, tùy theo nhu cầu đặt hàng của khách. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản ở Quảng Yên, máy đào ao, hút bùn của Đinh Văn Giang nhanh chóng được bà con đón nhận đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao, vì một giờ hoạt động của máy bằng 30 nhân công lao động cật lực trong một ngày. Không chỉ phục vụ việc đào ao làm trang trại, máy còn giúp khơi thông luồng lạch, nạo vét bùn ở những ao hồ ô nhiễm nên ngày càng được nhiều cơ sở, doanh nghiệp tìm đến đặt hàng. Từ năm 2003 đến nay, đã có hơn một trăm máy hút bùn xuất xưởng…

Bố Giang bảo, từ khi sáng chế ra hai loại máy trên, khách đến đặt hàng ngày một đông, Giang làm đêm làm ngày nhưng không vì đắt hàng mà nâng giá bán bởi anh luôn tâm niệm: "Mình là nông dân thì phải giúp bà con đỡ vất vả".

Mong có đất để mở rộng sản xuất

Câu chuyện đang đến hồi rôm rả thì Đinh Văn Giang về. "Nhà sáng chế nông dân" ăn vận giản dị, có phần tuềnh toàng, dáng tất bật, đôi tay lấm lem dầu mỡ dựng chiếc xe máy cũ vào góc sân rồi đi vội vào nhà, tiếp khách ngay trong xưởng sản xuất. Anh hào hứng kể, mới đây một doanh nghiệp ở tận Hà Giang đã tìm đến đặt mua đến 700 chiếc máy xay làm trong hai năm. Đơn hàng quá lớn khiến anh phải lo ngày lo đêm để hoàn thành. Dường như hiểu được sự băn khoăn của chúng tôi, Giang bộc bạch: "Nhà xưởng chật hẹp thế này thì khó mà hoàn thành đúng tiến độ, đấy là chưa kể hằng ngày bà con mình đến đặt làm máy, từ chối sao được. Có chỗ nào tận dụng được làm mặt bằng sản xuất thì tôi cũng đã tận dụng hết cả rồi. Tôi đã có đơn xin khoảng 2ha đất ở khu công nghiệp để mở rộng sản xuất nhưng đến nay chưa được duyệt, cũng chỉ biết chờ đợi thôi". Anh cho biết thêm là đang tiếp tục thử nghiệm máy giã mực, xay chả cá, nghiền đá lạnh… giúp bà con địa phương chế biến chả cá, chả mực dễ dàng hơn và cho năng suất cao hơn.

Những chiếc máy đơn giản mà hiệu quả đã mang đến cho Đinh Văn Giang nhiều giải thưởng trong các hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Quảng Ninh và được cử tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XI vào đầu năm 2012. Nhưng có lẽ cũng vì quá mải mê với việc sáng chế, cải tiến mà đến nay chưa một sản phẩm nào của anh hoàn thiện thủ tục đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ. Đó cũng là một thiệt thòi của "nhà sáng chế nông dân" này và rất cần sự vào cuộc giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh để khuyến khích sự say mê sáng tạo không ngừng nghỉ của Đinh Văn Giang, để ngày càng có thêm nhiều loại máy phục vụ hiệu quả cho công việc đồng áng vất vả của người nông dân.

Văn Ngọc Thủy Hà Nội mới