TIN THỦY SẢN

Nhận biết các vấn đề xảy ra trên ao tôm nhanh chóng

Thường xuyên theo dõi và quan sát tôm nuôi để kịp thời đưa ra các phương pháp điều trị. Ảnh: Thuần Phạm Mây

Để có thể nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu trên ao nuôi tôm, người nuôi cần thường xuyên theo dõi và quan sát tôm nuôi, môi trường nước ao. Từ đó, có thể đưa ra các phương pháp điều trị kịp thời và hiệu quả.

Các vấn đề thường xảy ra trên con tôm

Ngoại hình tôm thay đổi

Có thể nhận biết dấu hiệu bệnh trên tôm một cách chính xác thông qua các đặc điểm về ngoại hình. Nếu màu sắc thân tôm, mang đổi màu, tôm bị cong thân, đục cơ, mềm vỏ, phồng rộp là một trong những biểu hiện đặc trưng của tôm bị nhiễm bệnh. Người nuôi có thể dựa vào một số dấu hiệu điển hình như sau:

- Đốm đen trên vỏ tôm: Những đốm đen trên vỏ tôm do nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân phổ biến là bệnh đốm đen do vi khuẩn (vỏ tôm nhám, phụ bộ bị ăn mòn, râu bị cụt), đốm đen do virus đi kèm với gan tụy vàng hơn bình thường. Ngoài ra tôm bị đen mang do những tổn thương vật lý.

- Thay đổi màu sắc phụ bộ và sắc tố: Cơ bụng và cơ đuôi trắng đục có thể có hiện tượng hoại tử và đỏ ở các vùng cơ này là biểu hiện của bệnh hoại tử cơ (IMNV) trên tôm. Còn tôm chỉ có chân đuôi đỏ thì thường do Taura và vi khuẩn. Ngoài ra chân bơi và chân bò của tôm có màu đen, nâu đen hoặc tái nhợt thì do môi trường ô nhiễm.

- Tôm bị mềm vỏ: Có ba nguyên nhân chính gây mềm vỏ tôm nuôi: thiếu khoáng, nhiễm virus và giai đoạn mãn tính (tôm 2 – 3 g mắc bệnh vi bào tử trùng cũng có hiện tượng vỏ mềm).

- Màu sắc mang thay đổi: Đen mang chủ yếu là do nền đáy ao nuôi bị nhiễm bẩn tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm hoặc nguyên sinh động vật phá hủy; vàng mang có thể do virus bệnh đầu vàng (kết hợp vàng gan) hoặc do ao nuôi bị xì phèn, mang đỏ do thiếu ôxy. Đục cơ kết hợp với cong thân thì nguyên nhân chủ yếu do môi trường, cơ tôm có màu trắng đục và có các điểm hoại tử nhỏ ở phần đuôi là biểu hiện của bệnh do virus, ngoài ra bệnh mảng trắng do vi khuẩn Bacillus cereus cũng làm xuất hiện các mảng trắng đục trên thân tôm.

- Gan, tụy: Khi tôm bị nhiễm bệnh thì màu sắc và hình dáng của gan, tụy có thể thay đổi. Gan có thể bị teo, chai và dai, gan có màu vàng, đỏ hay đen. Đây là dấu hiệu cho thấy tôm đang mắc các chứng bệnh về gan, tụy.

- Cơ thể tôm biến dạng: Tôm vểnh mang (chủ yếu do vi khuẩn), tôm bị cong thân kết hợp đục cơ (do thiếu khoáng và stress), cơ thể dị hình chủy đầu, phụ bộ, sống lưng là triệu chứng tôm nhiễm bệnh nhiễm trùng virus dưới da và hoại tử (IHHNV).

Lượng thức ăn thừa tăng

Sức ăn là một trong những yếu tố quan trọng đánh giá sức khỏe của tôm nuôi. Nếu lượng thức ăn trong ngày còn thừa quá nhiều là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy tôm trong ao đang nhiễm bệnh. 

Tôm cần đảm bảo các chỉ số môi trường để khỏe mạnh hơn. Ảnh: fptshop.com.vn

Đối với môi trường nước ao nuôi

Màu nước là một trong những yếu tố dễ nhận biết, dễ quan sát nhất để người canh tác ao nuôi có thể đánh giá được môi trường ao nuôi của mình đang có những vấn đề gì để dễ dàng can thiệp kịp thời nhất để đảm bảo tôm/ cá có môi trường thuận lợi, ổn định nhất để phát triển. 

Về yếu tố màu sắc, ao nuôi có nhiều loại màu, mỗi loại có những yếu tố riêng để đánh giá về tác động tốt hay xấu, thuận lợi hay không thuận lợi cho sức khỏe và sự sinh trưởng của tôm cá. 

- Màu vàng nâu: Đây là màu nước thuận lợi nhất, tốt nhất để nuôi các loại thủy hải sản nước lợ, nước mặn. 

- Màu đọt chuối: Đây cũng là màu nước thuận lợi để nuôi các loại thủy sản trong môi trường nước ngọt, nước lợ.

- Màu xanh đậm: Đây là màu nước không thuận lợi cho các vật nuôi, cần phòng trừ.

- Màu vàng đậm: Đây là màu nước không thuận lợi, không tốt cho sự phát triển của vật nuôi.

- Màu đỏ gạch: Không nên xả dòng nước này vào ao nuôi bởi vì lượng phù sa nhiều sẽ làm tôm, cá khó hô hấp và giảm khả năng bắt mồi.

- Màu nâu đen: do việc quản lý thức ăn dư thừa, phân tôm nhiều,..dẫn đến tính tan của chất hữu cơ huyền phù ( trôi nổi) cũng tăng theo. Làm cho nước và đáy có mùi tanh hôi, dẫn đến tỉ lệ phát bệnh của tôm tăng cao.

- Màu trắng đục: là do các vi sinh và động vật phù du trong nước phát triển mạnh, các loài tảo bị động vật phù du ăn mất dẫn đến thiếu oxy trong nước. Hoặc do tiêm mao trùng, luân trùng, các loài động vật chân chèo, các hạt đất sét và vụn bã hữu cơ trong nước quá nhiều.

Với những mùa vụ thành công và lợi nhuận bền vững, việc thường xuyên theo dõi và quan sát tôm nuôi là vô cùng cần thiết để có thể phát hiện sớm bệnh tại ao, cũng như kịp thời đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả.

Mây