TIN THỦY SẢN

Nhân giống thành công loài cá ngựa có tên trong sách đỏ

Cá ngựa thân trắng được cho sinh sản thành công. Ảnh: CTV

Tại hội nghị Quốc tế về Biển Đông năm 2012 vừa qua, Viện Hải dương học Nha Trang báo cáo đã cho sinh sản thành công bốn loài cá ngựa. Nếu được triển khai nuôi trên diện rộng, cá ngựa có thể trở thành tiềm năng kinh tế của tỉnh Khánh Hòa.

Cá ngựa còn gọi là Hải mã, sống ở ven biển Việt Nam, nơi nước trong, có độ muối cao. Theo kinh nghiệm dân gian, cá ngựa có thể chữa trị chứng mệt mỏi, suy nhược cơ thể, các bệnh về hô hấp, hen suyễn; suy giảm khả năng tình dục, các bệnh về tim và hệ tuần hoàn, thận, gan, thậm chí còn được dùng để trị chứng khó sinh ở phụ nữ... Từ lâu, cá ngựa là một vị thuốc đông y rất được ưa chuộng. Theo các chuyên gia, trong cá ngựa chứa các phần tử miễn dịch và chứa ít nhất năm gene kháng khối u. Nghiên cứu này mở ra một hướng mới trong cơ chế điều trị ung thư từ cá ngựa.

Trước những công dụng tuyệt vời đó, cá ngựa đã và đang là đối tượng bị săn bắt ráo riết. Vì thế,  số lượng loài cá này trong tự nhiên bị giảm sút nghiêm trọng và có khả năng bị tận diệt. Cá ngựa trắng và cá ngựa gai thuộc hàng quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN)

Viện Hải dương học Nha Trang đã nghiên cứu và cho sinh sản thành công bốn trong số bảy loài cá ngựa trong vùng biển Việt Nam là cá ngựa thân trắng (tên khoa học Hippocampus kellogii), cá ngựa gai (H. Spinosisimuss), cá ngựa đen (Hippocampus kuda), cá ngựa vằn (H. comes).

Cá ngựa để ngâm rượu bổ dưỡng

Cá ngựa thân trắng quý hiếm nhất vì có hoạt tính sinh học cao nhất trong các loài cá ngựa. Theo nhóm nghiên cứu của Viện Hải dương học, cá ngựa thân trắng có tỷ lệ sống trên 60%, tốc độ sinh trưởng nhanh. Cá ngựa gai có màu sắc rất phong phú, đáp ứng nhu cầu nuôi cá cảnh trong nước và xuất khẩu. Hàng ngàn con cá ngựa gai đã ra đời, tỷ lệ sống sót là 50%. Đây là kết quả đáng khích lệ vì loại này rất khó nuôi, rất khó kết đôi và sinh sản so với các loài cá ngựa khác. Cá ngựa đen, mặc dù được nhân giống nhân tạo nhưng con giống sinh trưởng tốt, tỷ lệ sinh sản cao so với cá ngựa trong tự nhiên. Viện Hải dương học Nha Trang cũng đã thực hiện thành công việc chuyển đổi màu sắc loài này để phục vụ nuôi cá cảnh (từ màu đen có thể chuyển sang màu vàng, hoặc màu đỏ).

Cá ngựa vằn còn gọi là cá ngựa đuôi hổ, cũng được nhân giống. Điều này rất có ý nghĩa vì môi trường sống tự nhiên của chúng (đáy dưới triều và rạn san hô) đang bị đe dọa.

Theo các nhà nghiên cứu của viện, chi phí nuôi cá ngựa không lớn và khả năng nhân giống loài này ít gặp rủi ro. Nếu được triển khai nuôi trồng một cách khoa học trên diện rộng, đây là đối tượng có triển vọng và tiềm năng về kinh tế cao, vì nếu đầu tư tốt và tìm được thị trường tiêu thụ cá ngựa sống phục vụ cho y học và nuôi cảnh thì hiệu quả kinh tế  hơn gấp nhiều lần so với các mô hình chăn nuôi khác. Viện cũng cảnh báo việc nuôi cá ngựa cũng cần lưu ý đến vấn đề bảo vệ nguồn giống trong tự nhiên.

congan.com.vn