Nhân rộng mô hình nuôi cá lăng trong hồ: Cần có quy hoạch và định hướng phát triển
Đầu tháng 4/2015, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư hộ gia đình anh Nguyễn Tất Hùng, thôn Đông Tiến 1, thị trấn Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh là một trong 2 hộ tham gia mô hình nuôi cá lăng đã triển khai nuôi, với số lượng cá giống thả 1.000 con, kích cỡ 15cm/con trên dung tích hồ nước 50m3. Sau hơn 8 tháng nuôi đến thời điểm này cỡ cá trung bình trong hồ nhà anh đạt 1,5kg/con; sản lượng đạt 637kg. Anh Hùng phấn khởi cho biết: Với giá bán cá thương phẩm trên thị trường dao động từ 160.000 - 180.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí có lãi khoảng từ 30 - 45 triệu đồng/ô lồng (50m3)/chu kỳ nuôi.
Để triển khai mô hình nuôi cá lăng trong lồng trên hồ chứa, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ninh đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Yên, khảo sát các hồ chứa nước ngọt phục vụ tưới tiêu nông nghiệp có diện tích mặt nước phù hợp nuôi cá nước ngọt. Do là huyện miền núi, đa số là đồng bào người dân tộc nên trước đây chủ yếu là khai thác đánh bắt thuỷ sản tự nhiên, hiện nay đã có một số hộ nông dân thuê lại diện tích mặt nước để nuôi cá lồng bè một số loài cá nước ngọt, tuy nhiên giá trị kinh tế đem lại chưa cao, kỹ thuật nuôi cá còn hạn chế, quy mô nhỏ lẻ chưa hình thành được nghề nuôi cá lồng bè có định hướng, bền vững và bảo vệ môi trường. Bởi vậy, việc xây dựng mô hình “Nuôi cá lăng trong lồng bè trên hồ chứa” là hướng đi hoàn toàn mới cho định hướng phát triển nuôi trồng thuỷ sản của huyện, tận dụng được các điều kiện tự nhiên sẵn có để phát triển đối tượng nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao này, qua đó làm thay đổi phương thức sản xuất của người nuôi cá.
Mô hình nuôi cá lăng trên địa bàn huyện Tiên Yên được triển khai từ tháng 4-2015 có 2 hộ tham gia với dung tích hồ chứa 100m3. Các hộ tham gia có đủ điều kiện và hệ thống lồng bè đáp ứng yêu cầu của mô hình. Mỗi hộ được cấp cá lăng giống đạt tiêu chuẩn chất lượng và được hỗ trợ thức ăn, vôi, thuốc, hoá chất để cải tạo môi trường nước nuôi và phòng trị bệnh cho cá. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật tổ chức tập huấn cho các hộ tham gia mô hình, ứng dụng tốt kỹ thuật từ cách xây dựng lồng bè, kỹ thuật nuôi cá thương phẩm đến cách chăm sóc và phòng trị bệnh cho cá… Trong suốt quá trình thực hiện, cán bộ phụ trách mô hình thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát những hộ tham gia thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Sau một thời gian nuôi, hiện nay cá lăng thích nghi tốt với điều kiện môi trường nuôi lồng trên hồ chứa, cá sinh trưởng phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ sống trung bình trên 80%.
Chị Nguyễn Thị Phương Thuỷ, Phòng chuyển giao Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư cho biết: Trong quá trình nuôi các hộ tuân thủ quy trình kỹ thuật và các biện pháp phòng bệnh cho cá theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Kiểm soát tốt lượng thức ăn dư thừa, đồng thời định kỳ sử dụng vôi và các chế phẩm xử lý nước, môi trường nước tại hồ không bị ảnh hưởng từ các hoạt động nuôi cá. Do vậy, cá phát triển đồng đều, không có sự phân đàn, tỷ lệ sống cao. Cá lăng là một trong những giống cá có chất lượng thịt thơm ngon, bổ dưỡng. Tuy nhiên, tại Quảng Ninh người tiêu dùng chưa được sử dụng nhiều các sản phẩm chế biến từ cá lăng. Do vậy, cần có các chương trình hội thảo, tập huấn tuyên truyền nhân rộng mô hình để bà con nông dân nắm bắt được kỹ thuật nuôi cá lồng trên hồ chứa, khai thác hiệu quả mặt nước tự nhiên của hồ chứa, nhưng không gây tác động xấu tới hệ sinh thái của hồ. Đồng thời có kế hoạch tạo ra khu vực sản xuất hàng hoá tập trung; xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Có thể thấy, để mô hình nuôi cá lăng trong lồng trên hồ chứa phát huy hiệu quả và có thể nhân rộng, cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, có sự quy hoạch của địa phương và có định hướng phát triển lâu dài.