TIN THỦY SẢN

Nhập khẩu tôm hùm bông tại Trung Quốc đang "lao dốc"

Khó khăn của người nuôi về đầu ra của tôm hùm bông. Ảnh: tc.vaas Nguyệt Hoa

Hiện nay, người dân tại vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh - một trong những vùng nuôi tôm hùm bông trọng điểm của Khánh Hòa đang “đứng ngồi không yên” bởi có đến hàng trăm tấn tôm hùm bông thương phẩm nhưng lại không có thương lái đến thu mua.

Người dân nuôi tôm hùm bông “đỏ mắt” chờ thương lái

Từ lâu nay, huyện Vạn Ninh luôn được mệnh danh là “thủ phủ” tôm hùm, đặc biệt là tôm hùm bông tại tỉnh Khánh Hòa. Đây là một trong những loại hải sản có giá trị rất cao nên không quá khó để lý giải tình trạng người nuôi tôm thả giống ồ ạt.

Chỉ 3 tháng trước, tôm hùm bông vẫn là đối tượng thủy sản được người dân nuôi tôm đặt nhiều kỳ vọng bởi tôm hùm bông loại 1 và loại 2 đều được thương lái thu mua với giá rất cao. Cụ thể, tôm hùm bông loại 1 dao động từ 1.900.000 - 2.100.000 đồng/kg; tôm hùm bông loại 2 dao động từ 1.600.000 - 1.700.000 đồng/kg.

Nhiều người dân nuôi tôm nhớ lại, cùng thời điểm này vào năm ngoái, tình hình thu mua tôm hùm bông diễn ra rất sôi động nhưng đến hiện tại có đến khoảng 200 tấn tôm hùm hùm bông tới giai đoạn thu hoạch đang rơi vào tình cảnh “trông ngóng” thương lái.

Trong giai đoạn này, khó khăn lớn nhất mà người dân phải đối mặt, đó chính là chi phí thức ăn, thuốc men cho lứa tôm thương phẩm này. Theo như thông tin từ ông Trần Minh Hiền, tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp nuôi tôm hùm lồng thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh cung cấp thì tôm hùm bông là đối tượng thủy sản có thời gian nuôi tối thiểu 18 tháng và phải đạt trọng lượng 0,7-1 kg mới có thể xuất bán. 

Dù biết rằng nuôi càng lâu, trọng lượng và giá bán của tôm hùm bông sẽ tăng theo. Song, thực tế là không phải hộ nuôi nào cũng đảm đương được chi phí duy trì lứa tôm đạt kích cỡ thu hoạch này trong thời gian dài.

Thêm nữa, giai đoạn cận kề cuối năm nay được dự báo là sắp tới mùa mưa bão. Như vậy, hiện có hàng trăm hộ nuôi tôm gần như nắm chắc cái kết thua lỗ nặng nề cho mùa tôm trúng mùa mà không được thương lái thu mua.

Một số giải pháp tiêu thụ tôm hùm bông

Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng đã bắt tay vào nghiên cứu thực tiễn thị trường tôm hùm bông và đưa ra một số nguyên nhân cơ bản sau:

Mức tiêu thụ tôm hùm bông hiện nay ở Trung Quốc đang giảm khá mạnh. Ảnh: thesaigontimes.vn

- Thứ nhất, người dân gặp khó khăn khi thị trường nhập khẩu thủy sản lớn là Trung Quốc có chính sách hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng thủy sản theo con đường tiểu ngạch, trong đó có tôm hùm bông.

- Thứ hai, mức tiêu thụ tôm hùm bông hiện nay ở Trung Quốc đang giảm khá mạnh nên nhiều thương lái không dám thu mua số lượng nhiều hay thậm chí là không dám nhập hàng.

- Thứ ba, nguyên nhân chính yếu nằm ở quá trình nuôi trồng tại địa phương. Đa phần mô hình nuôi tôm hùm bông còn mang tính tự phát, truyền thống.

Trước tình hình hiện tại, các cơ quan chuyên ngành cũng đã đưa ra một số giải pháp tháo gỡ trước mắt như: Theo dõi và cập nhật tình hình thị trường để lựa chọn đối tượng thủy sản hợp lý. Cụ thể là giảm nuôi tôm hùm bông và tăng nuôi tôm hùm xanh (đối tượng thủy sản đang “trúng mùa được giá).

Như vậy, để có thể ổn định và phát triển ngành tôm nói chung, tôm hùm bông nói riêng, chúng ta cần xây dựng chuỗi liên kết nhằm làm rõ nguồn gốc cũng như tổ chức nuôi tôm đúng quy hoạch và đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý và tổ chức thu hoạch vào thời điểm hợp lý.

Trong tương lai, nếu muốn xuất khẩu tôm hùm bông sang nhiều thị trường quốc tế khác, người dân cần triển khai áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người bằng cách đưa thức ăn hữu cơ, mô hình nuôi tôm sinh học,...

Tựu lại, trước mắt thì người nuôi tôm cần bình tĩnh chăm sóc cho lứa tôm đang tồn đọng hiện tại.  Đồng thời, người dân cũng cần theo dõi những chuyển biến mới của thị trường tôm hùm bông và tình hình thời tiết để đưa ra những cách thích ứng và đối phó hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ thua lỗ.

Hướng giải quyết mang tính lâu dài và bền vững cho người nuôi tôm hùm bông, cụ thể là người dân ở Khánh Hòa trước tình hình này là triển khai truy xuất rõ nguồn gốc, chủ động liên kết với nhau bằng những mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ tôm nhằm ổn định đầu ra cũng như mở rộng thị trường cho tôm hùm bông. 

Nguyệt Hoa