TIN THỦY SẢN

Nhập khẩu tôm vào Mỹ có xu hướng giảm

Biểu đồ nhập khẩu tôm vào Mỹ 2016, 2018 Kim Thu

Sau khi tăng liên tục trong 14 tháng, NK tôm của Mỹ đã giảm trong tháng 5 và 6 năm nay. Tồn kho cao và XK từ các nguồn cung chính đều gặp khó đã làm giảm nguồn cung tôm vào thị trường Mỹ.

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), 6 tháng đầu năm nay, Mỹ NK 303.637 tấn tôm, trị giá 2,8 tỷ USD, tăng 6% về khối lượng và 3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Top 6 nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ gồm Ấn Độ (chiếm thị phần 33,4%), Indonesia (21,7%), Ecuador (12,2%), Thái Lan (7,2%), Việt Nam (7,1%) và Trung Quốc (6,5%). Trong top 6 nguồn cung lớn nhất, NK từ Ấn Độ và Indonesia tăng tốt nhất trong khi NK từ Thái Lan giảm mạnh nhất.

Mặc dù NK tôm tăng trong 6 tháng đầu năm nhưng tháng 6/2018, NK tôm vào Mỹ đã giảm cả về khối lượng và giá trị. Mỹ NK 49.400 tấn tôm, giảm 8% so với tháng 6/2017 (53.455 tấn). Giá trị NK đạt 434,4 triệu USD, giảm từ 513,6 triệu USD NK trong tháng 6/2017. Tồn kho vẫn cao, giá NK trung bình giảm (giá NK tháng 6/2018 đạt 8,79 USD/kg so với 9,61 USD/kg của tháng 6/2017) do nguồn cung dư đã ảnh hưởng tới NK tôm vào Mỹ trong tháng 6 năm nay. Sau khi tăng liên tục trong 14 tháng, NK tôm của Mỹ đã giảm trong tháng 5 và 6 năm nay. Xu hướng này trái ngược với mọi năm khi tháng 6 là thời điểm NK tôm của Mỹ bắt đầu tăng.

Ấn Độ vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ trong tháng 6/2018, XK sang Mỹ 17.708 tấn, giảm 2% so với 18.014 tấn của tháng 6/2017. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2016, Mỹ giảm NK tôm từ Ấn Độ. NK tôm vào Mỹ từ Ấn Độ đang chững lại. Sau khi tăng 22% XK tôm sang Mỹ trong tháng 4/2018, XK tôm của Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 5 chỉ tăng 4%. Nguồn cung dư và sự bất ổn trong thương mại tôm thế giới đã buộc người nuôi tôm Ấn Độ giảm 30% lượng thả nuôi. Khoảng 50% trại ương giống của Ấn Độ trong tình trạng đóng cửa.

Thái Lan giảm mạnh XK tôm sang Mỹ. Thái Lan XK 3.370 tấn tôm sang Mỹ trong tháng 6 năm nay, giảm 42% so với tháng 6/2017 (5.797 tấn). 2 đối thủ cạnh tranh của Thái Lan ở châu Á (Ấn Độ và Indonesia) chào giá XK thấp hơn của Thái Lan nên nước này khó cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Chi phí sản xuất tôm cao hơn cũng ảnh hưởng tới XK tôm của Thái Lan. Việc Chính phủ Thái Lan cấm NK tôm từ Ấn Độ làm tăng chi phí tôm nguyên liệu của Thái Lan và giảm khả năng cạnh tranh của các công ty chế biến Thái Lan và giảm nguồn cung tôm từ Thái Lan sang Mỹ.

NK tôm từ Trung Quốc vào Mỹ đạt 3.495 tấn trong tháng 6/2018, giảm 21% so với tháng 6/2017 (4.429 tấn). XK tôm Trung Quốc sang Mỹ sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Các nguồn cung tôm cho Mỹ trong đó có Việt Nam sẽ gặp phải những trở ngại nhất định trong XK tôm sang Mỹ thời gian tới do Mỹ sắp áp dụng Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu. Cuối tháng 4/2018, tôm chính thức được Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) đưa vào Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu Mỹ (SIMP). Theo đó, đến ngày 31/12/2018, các nhà NK tôm phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chương trình SIMP.

Tại Hội thảo “Chương trình Giám sát Thủy sản NK vào Hoa Kỳ (SIMP) cho Tôm và Bào ngư” diễn ra tại Tp Hồ Chí Minh vào ngày 1/8/2018, bà Celeste Leroux, chuyên gia của NOAA cho biết, chương trình SIMP áp dụng với các lô hàng hải sản từ nước ngoài nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Theo đó nhà NK trong hồ sơ phải thường trú ở Hoa Kỳ và có giấy phép thương mại thủy sản quốc tế hiện hành. Ngoài ra, có hai loại thông tin truy xuất nguồn gốc bắt buộc phải có. Đó là thông tin về thu hoạch và cập bờ phải được báo cáo bằng điện tử tại thời điểm nhập khẩu thông qua Hệ thống dữ liệu thương mại quốc tế (ITDS) và hồ sơ chuỗi hành trình. Hồ sơ chuỗi hành trình là tài liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ lúc thu hoạch đến điểm nhập cảng Hoa Kỳ, phải được nhà NK lưu giữ trong 2 năm và có thể được yêu cầu xuất trình khi kiểm tra.

Bà Celeste Leroux cho biết thêm, quy tắc thiết lập SIMP chỉ áp dụng cho hải sản từ nước ngoài vào Hoa Kỳ. NOAA có thể hỗ trợ cho DN bằng cách gửi thông tin để NOAA xem xét giúp và sẽ cho DN biết nếu có bất kỳ thông tin nào bị thiếu trong chuỗi cung ứng mà phía nhà nhập khẩu Hoa Kỳ yêu cầu truy xuất. Đại diện NOAA cho rằng, do ở Việt Nam có nhiều trường hợp sản xuất nhỏ lẻ nên có thể làm việc cụ thể với NOAA. Tuy nhiên, các DN ít nhất phải có bằng chứng, chứng minh được rằng nông dân đó đã được cấp phép sản xuất theo quy hoạch.

Từ phía DN cũng cho rằng, các nhà xuất khẩu Việt Nam có uy tín đều đã thực hiện chương trình truy xuất nguồn gốc trong một thời gian dài, vì vậy các DN đã có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, một số quy định của SIMP khá chi tiết, thủ tục còn rườm rà buộc DN phải chuẩn bị thêm một đội ngũ để chuẩn bị hồ sơ, tốn thêm chi phí nhân công. Bên cạnh đó, với thời hạn chỉ còn vài tháng để chuẩn bị khá gấp, hàng hóa xuất đi dễ bị ách tắc trong giai đoạn đầu.

Kim Thu VASEP