Nhập nhằng chất lượng tôm giống nước lợ
Trong nuôi tôm nước lợ, chất lượng con giống là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành bại, nhưng đáng tiếc là nông dân vẫn chưa thể chủ động chọn được giống tốt vì thị trường tôm giống đang khá “bát nháo”. Điều này khiến nguy cơ xảy ra dịch bệnh ngày càng cao.
Chất lượng tôm giống: Thả nổi
Năm 2013, tỉnh Tiền Giang có kế hoạch thả nuôi hơn 4.200ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến, tổng nhu cầu tôm giống gần 2,3 tỷ con, trong đó Tân Phú Đông là huyện có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh với hơn 3.000ha, nhu cầu con giống gần 1,3 tỷ con.
Đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi hơn 595,2 triệu con tôm sú và tôm thẻ chân trắng trên 2.169ha, chiếm 57,41% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh; số còn lại, nông dân đã cải tạo ao đầm, sẵn sàng lấy nước để thả nuôi khi điều kiện thời tiết thích hợp. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của bà con chính là chất lượng tôm giống chưa đảm bảo, số lượng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người nuôi.
Hiện, Tiền Giang chỉ có 3 cơ sở sản xuất tôm sú giống đang hoạt động (Gò Công Đông 1 cơ sở, Tân Phú Đông 2 cơ sở), cung cấp cho thị trường khoảng 40 triệu con giống/năm. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 11 cơ sở thuần dưỡng tôm giống, mỗi năm cung ứng khoảng 400 triệu giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng cho thị trường. Tuy vậy, các cơ sở này chỉ đáp ứng được 15 - 25% nhu cầu nên người nuôi trong tỉnh vẫn phải mua con giống từ Bình Thuận, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Cà Mau, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Do nguồn tôm giống được nhập về từ nhiều nơi nên chất lượng không đồng đều, giá cả cũng chênh lệch. Ông Võ Văn Hòa, nông dân nuôi tôm xã Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông) cho biết: “Trên thị trường có nhiều loại tôm giống khác nhau, giá dao động từ 30 - 75 đồng/con; những loại do các công ty lớn sản xuất, có uy tín thì giá lên tới 120 đồng/con. Dù vậy, tôm nào cũng được giới thiệu là sạch bệnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y, nhưng nhiều ao tôm thả nuôi 15 - 30 ngày đã chết sạch, khiến nông dân chịu nhiều thiệt thòi”.
Theo ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, sở dĩ chất lượng tôm giống chưa đảm bảo là do các cơ sở sản xuất chưa làm chủ được công nghệ sản xuất mà phụ thuộc vào chuyên gia kỹ thuật đến từ các tỉnh miền Trung. Bên cạnh đó, do hiệu quả sản xuất giống không cao nên các cơ sở này có xu hướng chuyển sang thuần dưỡng, hay làm đầu mối phối tôm giống cho các trại sản xuất giống ngoài tỉnh. Tuy nhiên, chất lượng nguồn tôm giống nhập tỉnh cũng khó có thể kiểm soát được do không thể kiểm tra được nguồn tôm giống tại gốc. Đó là chưa kể địa bàn vùng nuôi phân tán, giống nhập vào tỉnh bằng nhiều con đường khác nhau, trong khi lực lượng chuyên ngành quá mỏng nên việc thanh - kiểm tra gặp nhiều khó khăn.
Coi nhẹ chất lượng
Ước tính, tỷ lệ thất bại của vụ nuôi chiếm 30% nếu chọn được nguồn giống tốt; ngược lại, không may chọn đúng lô tôm giống xấu thì tỷ lệ tôm nuôi bị thiệt hại có thể lên tới hơn 80%. Dù biết thế nhưng hầu hết những hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến đều chọn nguồn tôm giống giá rẻ (20-35 đồng/con) để giảm bớt chi phí; còn đối với người nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh thì bà con đã có ý thức cao về chất lượng tôm giống, nhưng do trình độ hạn chế nên cũng không kiểm tra được chất lượng tôm giống mua về.
Theo ông Nguyễn Văn Hoàng ở xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông), qua các cuộc tập huấn kỹ thuật cũng như kinh nghiệm nuôi tôm thâm canh lâu năm, đa phần nông dân trong xã đều biết rõ chất lượng giống là rất quan trọng. Tuy nhiên, chỉ có một số hộ nuôi tôm quy mô lớn, có điều kiện mới hùn lại bắt xe ra tận Khánh Hòa, Bình Thuận chọn lô giống rồi cử người ở lại canh; những người còn lại đem mẫu lô giống đó đi kiểm dịch, kết quả kiểm tra đạt mới bắt đem về nuôi, do vậy mới kiểm soát được chất lượng tôm giống. Còn đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ, họ chỉ biết mua tôm giống theo kiểu “hên xui” mà thôi.
Tôm giống được khẳng định là tốt chỉ khi người nuôi biết rõ nguồn gốc tôm bố mẹ, điều kiện trại sản xuất, nguồn gốc giống, nhất là phải có kết quả âm tính đối với những bệnh nguy hiểm khi trực tiếp đem mẫu đi kiểm dịch bằng phương pháp PCR tại cơ quan thú y. Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất giống, thương lái đã lợi dụng tâm lý “tiền nào của nấy” của người nuôi tôm mà “đánh lận con đen” bằng cách bán tôm giống với giá cao, hoặc trộn tôm giống trôi nổi với tôm giống chất lượng, có bao bì nhãn hiệu uy tín để tăng doanh thu, do vậy bà con cũng không biết đâu mà lần.
Theo các chuyên gia, năm 2013, với người nuôi tôm, thách thức lớn nhất vẫn là dịch bệnh. Hiện, chứng hoại tử gan tụy cấp tính cho tôm tạm thời đã được khống chế, tuy nhiên, nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt vẫn đang là ẩn số. Tình hình vẫn còn khá nan giải, bởi nếu không làm tốt ngay từ khâu con giống đến việc vệ sinh ao nuôi theo quy trình công nghệ tiên tiến… thì nhiều khả năng dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại.