Nhật Bản: Bị cấm nghiên cứu “cá voi khoa học”
Cuối tháng 3-2014, Tòa án Công lý Quốc tế La Haye, xét rằng: Nhật Bản viện cớ nghiên cứu khoa học về cá voi tại Nam cực, thực ra là đánh bắt thương mại, đã ra lệnh chấm dứt hoạt động này. Dù một số người cho rằng quyết định này có thể kết thúc nền văn hóa cá voi, chẳng phải nghiên cứu khoa học cũng đã làm cạn kiệt nghề bắt cá voi ven bờ hay sao? Junko Sakuma, nhà báo độc lập, luôn chỉ trích chính sách của Sở đánh bắt Nhật Bản, giải thích, có hai kiểu đánh bắt cá voi: để nghiên cứu khoa học và đánh bắt nhỏ gần bờ. Hai vấn đề khác biệt nhau hoàn toàn. Câu gần bờ là hoạt động truyền thống, nhưng Nhật Bản lại thích “đánh bắt khoa học” hơn.
Tại đảo quốc này, chỉ có năm chỗ được xem là nơi đánh bắt cá voi truyền thống, trong đó có Taiji, thuộc quận Wakayama, miền nam đảo Honshu. Hoạt động này ra đời vào năm 1606. Tại viện bảo tàng thành phố dành cho cá voi, có một bức tranh vẽ một thợ câu đang kéo con cá voi, chứng tỏ vị trí của nó trong nền văn hóa Nhật Bản. Theo số liệu của Bộ nông lâm ngư nghiệp, số lượng cá voi bị người Nhật bắt ở gần bờ và xa bờ để bán là 27.000 con trong năm 1965. Đầu năm 1956, lúc bắt đầu làm thống kê, cả nước Nhật chỉ có 146 con cá voi. Để so sánh, năm 2012, tổng số cá voi nhỏ bắt gần bờ để bán chỉ có 817 con. Trong những năm 2000, người ta kiểm kê được năm nhà đánh bắt cá voi.
Dẹp bỏ nghề bắt cá gần bờ, Sở đánh bắt đã lập ra chương trình “đánh bắt khoa học” mà quyền lợi chui thẳng vào túi mình. Ngân sách năm 2013 cho hoạt động này là 1,05 tỉ yen (7,5 triệu euro). Tất cả tiền bạc giao cho Viện nghiên cứu cá voi Nhật Bản - IJRC, nắm độc quyền bán thịt cá voi “nghiên cứu khoa học”. Năm 2008, doanh số bán của họ là hơn 6 tỉ yen (42 triệu euro). Cho đến gần đây, nó còn là “sân sau” của các quan chức cao cấp của Sở đánh bắt.
Nhưng từ mấy năm qua, bán thịt cá voi không còn có lời nữa. Số cá voi bị bắt quá nhiều, nên giá bán rẻ, cũng chẳng có bao nhiêu người mua. Năm 2010 họ bị lỗ nặng. Mặc dù thế, họ vẫn không từ bỏ trò “đánh bắt khoa học” này. Năm 2011, họ “xoáy” được 1,8 tỉ yen từ ngân sách tái thiết các vùng bị động đất và sóng thần tàn phá ở phía đông bắc để thanh toán nợ nần. Junko Sakuma nhận xét: Nếu đánh bắt cá voi khoa học biến mất, cơ quan quản lý nó chẳng còn lý do gì để tồn tại. Vì thế họ phải cố bằng mọi cách bảo vệ hoạt động này.
Với lệnh cấm mới đây của Tòa án quốc tế, những cố gắng của cơ quan này trở thành vô ích. Theo nhà báo Sakuma, Nhật Bản phải xét lại tận gốc chính sách của mình: Đánh bắt khoa học được tiến hành theo một logic khác xa với cổ truyền. Tôi không căm ghét nếu nó được tiến hành đúng theo mục tiêu khoa học, nhưng ngày nay hoạt động này đã đi quá xa mục tiêu của mình.