Nhật Bản nuôi cá ngừ vây xanh trong bể
Cơ quan Nghiên cứu Thủy sản Nhật Bản (FRA) sẽ triển khai dự án nuôi cá ngừ vây xanh phẩm cấp sushi trong bể lớn trên bờ từ ngày 8/6/2013.
Đây là lần đầu tiên cá ngừ vây xanh được nuôi trên bờ, nhưng FRA đặt mục tiêu sản xuất khoảng 100.000 con cá ngừ trong vòng 4 năm. Nếu thành công, dự án này có thể ổn định giá cá ngừ vây xanh.
FRA dự kiến sẽ xây dựng 2 bể lớn rộng 20m, sâu 6m tại Nagasaki, mỗi bể chứa 100 con.
Cá ngừ bố mẹ bắt đầu được nuôi từ lúc 2 tuổi. Sau đó người ta sẽ thu thập trứng đã thụ tinh và chuyển đến bể trên đảo Kakemaro, tỉnh Kagoshima. Khi cá non được 6 cm, chúng sẽ được đưa vào thả trong đăng quầng trên biển.
Theo cách nuôi truyền thống, cá ngừ giống được khai thác trong tự nhiên và thả nuôi trong đăng quầng trên biển, nhưng việc này đã gây ra sự lo ngại nạn lạm thác cá non.
Việc nuôi cá ngừ trọn một vòng đời, từ thu nhặt trứng đến lúc trưởng thành trong đăng quầng đã thành công, nhưng việc không thể dự báo thời tiết và nhiệt độ vùng khơi đã cản trở hoạt động nuôi trên biển với quy mô lớn.
Trong khi đó, nuôi trong bể trên bờ có thể điều chỉnh được ánh sáng và nhiệt độ trong môi trường có kiểm soát, vì vậy có thể thu thập trứng một cách ổn định.
Trong năm 2011, xuất khẩu cá ngừ vây xanh nuôi kiểu truyền thống đạt khoảng 10.000 tấn, gấp 10 lần so với năm 2001. Tuy nhiên, số lượng cá non sụt giảm đã buộc phải mở rộng việc nuôi trên bờ.