TIN THỦY SẢN

Nhiều địa phương 'xé rào' tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt

Ao nuôi tôm thẻ chân trắng trong vườn cây ăn trái tại ấp 2, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, Tiền Giang Thành Công

Nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt dẫn đến những hậu quả nặng nề. Do đó, để tránh những thiệt hại đáng tiếc về lâu dài thì việc ngăn chặn tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt là cấp thiết.

Hậu quả biết trước

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, căn cứ các kết quả nghiên cứu của trong và ngoài nước, đặc biệt là kết quả nghiên cứu và bài học kinh nghiệm của Thái Lan khi đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi trong nước ngọt từ những năm 1990, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và người dân đều thấy được những tồn tại bất cập.

Đầu tiên, việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt tác động rất lớn đối với môi trường và đa dạng sinh học, nhất là ảnh hưởng đến sự sụt lún đất trong khu vực, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và cây trồng khác xung quanh. Năng suất, sản lượng, chất lượng tôm thẻ chân trắng thương phẩm nuôi trong nước ngọt kém hơn so với nuôi nước lợ, giá bán thấp hơn, khi nhu cầu xuống thấp, giá không ổn định người nuôi có nguy cơ không tiêu thụ được sản phẩm và thua lỗ.

Bên cạnh đó, nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt gây phá vỡ quy hoạch nuôi tôm đã được phê duyệt, do đó khó kiểm soát được tình hình sản xuất thực tế. Cơ sở hạ tầng cho nuôi tôm không phù hợp và người dân chưa có kinh nghiệm nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh mọi thời điểm và khó kiểm soát dẫn đến rủi ro lớn cho người dân. Các mầm bệnh mới từ tôm thẻ chân trắng có thể lây lan cho các đối tượng nuôi truyền thống như tôm càng xanh hay các loài thủy sản khác.

Nhiều địa phương “xé rào” nuôi tôm

Theo Công văn số 1751/SNN&PTNT-CCTS của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang về việc tăng cường quản lý tôm thẻ chân trắng trên vùng nước ngọt, hiện nay trên địa bàn các huyện Cái Bè, Châu Thành và Thành phố Mỹ Tho có 09 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt với tổng diện tích 2,34 ha.

Tại Đồng Tháp, thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  cho thấy, toàn tỉnh hiện có 176 ha nuôi tôm thẻ chân trắng ở các huyện Tam Nông, Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự, trong đó huyện Tam Nông có tới 165 ha. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, đánh giá thực tế các chỉ tiêu môi trường nước (nhất là độ mặn) trong và ngoài ao nuôi tại các hộ nuôi tôm thẻ cho thấy độ mặn thấp nhất là 0,49 ‰ và cao nhất là 2,12‰.

Tình trạng “xé rào” nuôi tôm thẻ chân trắng còn diễn ra ở nhiều địa phương khác như huyện Bình Đại (Bến Tre), huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long Phú (Sóc Trăng), huyện An Biên (Kiên Giang)...

Trước tình hình người dân ở một số địa phương khu vực phía Nam tự ý đưa tôm chân trắng vào nuôi trong vùng nước ngọt, nuôi trong vùng đất trồng lúa và ngoài vùng quy hoạch, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản chỉ đạo về vấn đề này từ năm 2014. Tuy nhiên, đến nay hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt không giảm mà có chiều hướng gia tăng.

Cụ thể, thời gian qua một số cơ sở tự ý khoan giếng lấy nước ngầm, dùng muối để nâng độ mặn cho ao nuôi tôm. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và cây trồng khác xung quanh.

Quản lý chặt việc nuôi tôm thẻ chân trắng

Để đảm bảo phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả, bền vững, hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực và không phá vỡ quy luật tự nhiên, Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có công văn số 6825/BNN-TCTS gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, yêu cầu các địa phương không chủ trương nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt và chỉ đạo nuôi tôm nước lợ theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Đối với những địa phương đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, yêu cầu người nuôi sau khi thu hoạch không thả nuôi trở lại, không để phát sinh thêm diện tích nuôi mới.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những vi phạm về nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt, nhất là các vi phạm về thực hiện quy hoạch, về bảo vệ môi trường, về sử dụng chất cấm, chất không có trong danh mục được phép dùng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền để người dân nắm được những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm chân trắng trong vùng nước ngọt, ngăn chặn kịp thời những tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.

Thành Công TTKNQG