Nhiều hộ dân xã Vạn Thạnh: Lấn chiếm đất công làm đìa nuôi tôm
Lợi nhuận lớn từ nuôi tôm trên cát khiến nhiều hộ dân tại xã đảo Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) ngang nhiên lấn chiếm đất công, đầu tư xây dựng ao đìa nuôi tôm.
Con đường nhựa vào Sơn Đừng (Vạn Thạnh) bấy lâu im ắng, nay sôi động hẳn bởi phong trào nuôi tôm trên cát. Những khu vực ven biển trước đây chỉ có cây dại, bụi rậm được nhanh chóng thay thế bởi các ao nuôi tôm với guồng máy sục khí quay tít.
Anh Phan Văn Tiến (thôn Đầm Môn) cho biết: Hiệu quả nuôi tôm trên cát rất cao. Đầu tư một ao nuôi tôm chuẩn khoảng 3.000m2 tốn 700 - 800 triệu đồng nhưng bù lại, lợi nhuận mang về rất lớn. Sau 1 vụ nuôi thành công, có thể thu lãi 400 - 500 triệu đồng. Ông Nguyễn Dừa (thôn Đầm Môn), một hộ lấy đất công nuôi tôm trên cát, phân trần: “Năm 1992, khu vực này là rừng mắm, tôi xin phép xã khai hoang và được Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh lúc đó là ông Trần Sỹ Thuyết chấp nhận. Nay xã nói tôi lấn chiếm đất công, yêu cầu trả lại nguyên trạng”. Ông Dừa cho biết, diện tích ông được phép khai thác lên tới 80ha, chiều dài và chiều rộng tương đương 1.000m và 800m. Sau nhiều năm khai thác kém hiệu quả (chủ yếu là trồng hoa màu), phong trào nuôi tôm trên cát xuất hiện, ông bèn cải tạo 3 ao cũ thành ao lót bạt nuôi tôm, nay đã bước sang vụ thứ 7 (1 năm 3 vụ).
Theo ông Trương Thái Hùng - Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh: Lợi dụng việc quản lý thiếu chặt chẽ, nhiều hộ dân đã lấn chiếm đất Nhà nước tại khu vực Sơn Đừng, Lỗ Sơn, Lỗ Gũ (thôn Đầm Môn) - nơi không được quy hoạch nuôi trồng thủy sản - để làm đìa nuôi tôm công nghiệp. Tổng cộng có 10 hộ, diện tích lấn chiếm khoảng 5ha. Qua rà soát phân loại có 6 hộ diện lấn chiếm, 4 hộ khai hoang. Trường hợp của ông Nguyễn Dừa thuộc diện khai hoang.
Trước tình hình đó, UBND huyện chỉ đạo: Yêu cầu xã làm việc với các hộ dân lấn chiếm đất làm đìa nuôi tôm tại khu vực Sơn Đừng và Lỗ Gũ, Lỗ Sơn, yêu cầu các chủ đìa khẩn trương tự tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng, khôi phục hiện trạng (đối với các ao chưa thả nuôi), lập biên bản cam kết tự tháo dỡ sau khi kết thúc vụ nuôi (đối với ao đang nuôi). Đồng thời, có kế hoạch cưỡng chế, tháo dỡ, xử lý theo quy định đối với những trường hợp lấn chiếm trái phép.
Thực hiện chỉ đạo của huyện, vừa qua, UBND xã đã mời các hộ dân vi phạm lên vận động, giải thích, yêu cầu chấp hành theo chỉ đạo của UBND huyện. Các chủ đìa đều thừa nhận việc lấn chiếm đất, san ủi đìa trái phép là vi phạm pháp luật song vì người dân thiếu đất sản xuất, thiếu phương tiện đánh bắt, không có nghề nghiệp mưu sinh nên biết sai vẫn làm. Hiện tại, các ao đều thả nuôi, một vụ kéo dài 3 - 4 tháng nên các hộ mong được huyện, xã cho thuê lại đìa để làm ăn, phát triển kinh tế, khi nào Nhà nước thu hồi sẽ giao trả và tự tháo dỡ, khôi phục nguyên trạng, không yêu cầu bồi thường, hỗ trợ. Riêng trường hợp ông Nguyễn Dừa được Chủ tịch UBND xã trước đây xác nhận cho phép nuôi từ năm 1992 đến nay nên ông không đồng ý tháo dỡ, giao trả mặt bằng.
Sự việc xảy ra tại xã Vạn Thạnh cho thấy sự buông lỏng trong quản lý đất đai của chính quyền địa phương. Đây là điều kiện để các hộ lấn chiếm đất Nhà nước trái phép. Huyện đã yêu cầu xem xét, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân; đồng thời khẳng định sẽ xử lý nghiêm khắc việc lấn chiếm đất công, nuôi trồng thủy sản không thuộc vùng quy hoạch.
Ông Nguyễn Phương Phai - Chánh Thanh tra huyện Vạn Ninh: Qua kiểm tra, phát hiện có 10 trường hợp vi phạm gồm 19 ô đìa (2.000 - 3.000m2/ô). Huyện yêu cầu xã xác minh, lập biên bản, xử lý phù hợp. Đối với trường hợp trước đây người dân được phép khai hoang, cần kiểm tra, xác minh lại, nếu đủ điều kiện thì đề nghị cấp quyền sử dụng đất; các trường hợp lấn chiếm sau thời gian gia hạn hết vụ (tháng 4-2014) phải tự tháo dỡ, khắc phục nguyên trạng...