Nhiều quốc gia đầu nguồn Mê Kông xây đập thủy điện: 20 triệu dân ĐBSCL chịu ảnh hưởng
Đó là lo ngại của các nhà quản lý, chuyên gia tại hội thảo tham vấn dự án thủy điện Pắc-Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Kông do Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam (UBSMK) tổ chức tại Cần Thơ vào hôm qua, 12/5.
"Việc xây dựng đập thủy điện cùng với biến đổi khí hậu đã tác động kép lên ĐBSCL mà đỉnh điểm là xâm nhập mặn hồi năm 2016 và sạt lở khắp nơi ở ĐBSCL, nhất là tại An Giang gần đây”- Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng bày tỏ lo ngại khi gần đây tình hình khai thác nguồn nước dòng chính sông Mê Kông càng gia tăng. Các nước Trung Quốc, Lào, Thái Lan đang tập trung xây dựng các dự án thủy điện. Việt Nam ở cuối nguồn nên quan tâm đặc biệt và quan ngại sâu sắc trước việc các quốc gia đầu nguồn xây đập thủy điện.
Chịu tác động kép
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng-Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ĐBSCL hiện nay đang chịu tác động kép bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và xây đập ở thượng nguồn ngày càng nặng nề. Cụ thể, rõ nhất là năm 2016, xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển, còn bờ sông thì lũ không về, tình hình sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng.
Ông dẫn chứng, Đồng Tháp có 123 km dọc bờ sông Tiền kéo dài đến giáp Campuchia, thì sạt lở hết 60 – 100 km (chiếm trên 60%). “Cần phải có kịch bản cho ĐBSCL nếu các đập đi vào hoạt động cùng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, vận hành cơ chế liên hồ sao cho đảm bảo an toàn và phải có dự báo, tính toán dài hơi thì mới mong ĐBSCL tồn tại”-ông Hùng đề xuất.
PGS.TS Lê Anh Tuấn-Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu trường Đại học Cần Thơ đề nghị tạm hoãn việc xây đập Pắc-Beng một thời gian để hoàn thiện báo cáo tác động môi trường. Ông cho rằng, xây đập ngay sẽ không chỉ ảnh hưởng đến 20 triệu dân ĐBSCL mà còn ảnh hưởng đến 60 triệu dân sống ven sông Mê Kông, kể cả ở các nước thượng nguồn (Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar).
Ông Tuấn phân tích, đập Pắc- Beng sẽ giữ những lượng bùn cát từ thượng nguồn về hạ lưu trong chuỗi các bậc thang thủy điện. Càng nhiều bậc thang và hồ chứa thì sự thiếu hụt phù sa và bùn cát về đồng bằng càng gia tăng. Hệ quả là sạt lở bờ sông và ven biển, xâm nhập mặn, sự thay đổi hệ sinh thái thủy sinh càng gia tăng và ngày càng tích lũy. Vì thế, khả năng tan rã vùng đồng bằng ngày ngày càng rõ nét.
Cùng quan điểm với PGS.TS Lê Anh Tuấn, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước cho rằng, ĐBSCL sạt lở như hiện nay là do cán cân trầm tích thiếu, dự báo 20 – 30 năm nữa sẽ bị lún chìm.
Vì thế, ông đề nghị các nước thượng nguồn xây đập phải xem đến lợi ích của các nước trong khu vực. Đồng thời, khi xây dựng cần đánh giá tác động trên toàn môi trường nước và có tính dài hạn. Còn ông Nguyễn Văn Sánh-Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL (thuộc Đại học Cần Thơ) lo lắng sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước. Đồng thời, ĐBSCL sẽ gặp khó trong việc liên kết vùng.
Xâm nhập mặn nghiêm trọng
Ông Trần Minh Khôi, chuyên gia của UBSMK Việt Nam cho biết, thủy điện Pắc-Beng sẽ gây nguy cơ suy giảm chất lượng nước, đồng thời làm giảm hàm lượng và tải lượng phù sa bùn cát về phía hạ lưu dẫn đến suy giảm nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, quan ngại đến sinh kế của gần 20 triệu người dân khu vực này.
Tính toán sơ bộ cho thấy, tác động tích lũy của 11 bậc thang thủy điện dòng chính sông Mê Kông, trong đó có dự án Pắc-Beng có thể làm giảm từ 60 - 67% nguồn chất dinh dưỡng (đạm và lân) cho ĐBSCL. Ngoài ra, còn góp phần làm gia tăng sạt lở, xâm nhập mặn cho khoảng 16 – 20% dân số ĐBSCL.
Theo TS. Nguyễn Văn Trọng, nguyên Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản 2 (Bộ NN&PTNT), dự án sẽ ảnh hưởng đến di cư của các loài cá như cá tra dầu, cá vồ cờ, bông lau…Hơn nữa, sự suy giảm phù sa cùng với dinh dưỡng sẽ tác động đến chức năng hệ sinh thái thủy sinh.
Còn ông Nguyễn Anh Đức, đại diện nhóm chuyên gia của UBSMK Việt Nam chỉ ra rằng, dự án Pắc–Beng không chỉ chịu tác động tại chỗ là lưu giữ hầu hết bùn cát đáy và một phần bùn cát lơ lửng về từ thượng nguồn trong lòng hồ, ước tính tổng bùn cát đáy và lơ lửng bị thu giữ là 90%.
Ngoài ra, còn tác động xuyên biên giới, cụ thể là ĐBSCL của Việt Nam. Ông Đức dẫn chứng, nếu xét 3 công trình Pắc Beng, Xay-nha-by-ry và Đôn-sa-hong thì tại Tân Châu-Châu Đốc (An Giang) tổng lượng bùn cát bị giảm khoảng 5%. Còn xét tổng thể chuỗi 11 đập trên sông Mê Kông thì bị giảm đến 65%.
Pắc-Beng là công trình thủy điện đầu tiên của bậc thang 11 đập thủy điện trên dòng chính vùng hạ lưu vực Mê Kông. Công trình nằm ở huyện Pắc Beng, tỉnh U-đôm-xay cách thành phố Viêng Chăn của Lào 610 km về phía thượng lưu và cách biên giới Việt Nam 1.933 km. Công suất thiết kế là 912 MW và điện lượng trung bình năm là 4.765 GwH do Công ty Sản xuất năng lượng quốc tế Datang của Trung Quốc làm chủ đầu tư. Khi hoàn thành lượng điện chủ yếu xuất khẩu sang Thái Lan 90%, còn lại phục vụ nội địa.