Nhiều sai sót trong nuôi sò huyết thực nghiệm ở khu vực bãi bồi
Phương án nuôi sò huyết thực nghiệm khu vực bãi bồi Mũi Cà Mau được triển khai nhằm giúp người dân địa phương có cơ hội thoát nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã không thực hiện đúng phương án được phê duyệt, gây ra nhiều bức xúc trong Nhân dân.
Theo Báo cáo số 913 của Sở NN&PTNT ngày 11/8, quá trình thực hiện phương án ương, nuôi sò huyết thực nghiệm, VQG Mũi Cà Mau và nhiều đối tác của VQG chưa thực hiện tốt phương án ương, nuôi sò huyết ở bãi bồi.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Trần Văn Thức cho biết, đến nay, VQG Mũi Cà Mau vẫn chưa thực hiện quy hoạch chi tiết cho từng phân khu như: khu nuôi sò thương phẩm, ương sò huyết giống, nuôi sò bố mẹ. Trong khi đó, VQG đã triển khai cho nuôi 170 ha sò thương phẩm.
Ngoài ra, theo Báo cáo số 913 của Sở NN&PTNT, nhiều đối tác liên kết với VQG Mũi Cà Mau chưa xây dựng các phương án trong khu vực được giao để trình chủ đầu tư phê duyệt; chưa tổ chức báo cáo tài chính và chưa thực hiện đóng thuế theo quy định; chưa giải quyết tốt sinh kế cho dân nghèo ven biển tại địa phương. Trong khi đó, đây lại là mục tiêu chính của phương án, khi phần lớn lao động là người ngoài tỉnh.
Ông Thức còn cho biết thêm, việc triển khai cắm mốc và một số nội dung khác trong phương án cũng chưa được tổ chức thực hiện tốt. Điều này sẽ gây ra vấn đề đáng lo là tình trạng tranh chấp dẫn đến khiếu kiện và cả việc người dân khai thác vào khu vực nuôi tạo nên điểm nóng như những năm trước đây.
Khu vực nuôi sò huyết ở bãi bồi theo phương án được duyệt thuộc phân khu bảo tồn biển, do VQG Mũi Cà Mau quản lý, nằm giáp ranh các xã: Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), Đất Mới, Lâm Hải (huyện Năm Căn) và Rạch Chèo, Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân).
Đầu năm 2016, thực hiện phương án được duyệt, VQG Mũi Cà Mau đã hợp đồng cho 14 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt nước bãi bồi để ương, nuôi sò huyết. Do nằm giáp ranh với nhiều xã, nhiều huyện, nên việc triển khai không khéo sẽ xảy ra nhiều vấn đề phát sinh khó giải quyết.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến lo ngại, thời gian tới triển khai cần đúng theo phương án đã được duyệt, nếu không mùa vụ tới khả năng xảy ra điểm nóng rất lớn.
Ngoài những tồn tại nêu trên, theo phản ánh của chính quyền một số xã trong khu vực bãi bồi, nhiều đối tác của VQG Mũi Cà Mau cất chòi trên bãi sò nhưng không xin phép chính quyền; những hộ nuôi phần đông từ nơi khác về nhưng không đăng ký tạm trú, thường xuyên để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự trong khu vực nuôi.
Bí thư Đảng uỷ xã Lâm Hải Huỳnh Văn Tổng thì cho rằng việc rào chắn, bao ví khu nuôi đã cản trở giao thông đường thuỷ và gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Đồng thời, tình trạng sò chết trong quá trình nuôi cũng như nhiều đối tác của VQG Mũi Cà Mau bơm sình trong khu vực bãi bồi làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, môi trường nước của hộ dân nuôi trồng thuỷ sản lân cận.
Mục đích trong phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt khá rõ ràng là nhằm tạo thêm nguồn sò giống tự nhiên cung cấp cho Nhân dân địa phương, tạo sinh kế cho cộng đồng dân nghèo sinh sống ven khu vực bãi bồi… Tuy nhiên, mục đích sinh kế cho dân nghèo chưa thực hiện được là phát sinh thêm nhiều bức xúc trong dân, làm nảy sinh xung đột…
Ông Trần Văn Thức đề nghị VQG Mũi Cà Mau triển khai thực hiện theo đúng phương án đã được duyệt. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có gì vướng mắc, kịp thời báo cáo về sở để sở báo cáo UBND tỉnh có phương án giải quyết kịp thời. Trường hợp không thể tháo gỡ thì có thể cho ngưng, bởi đây cũng mới chỉ là phương án thực nghiệm./.