TIN THỦY SẢN

Nhiều tổ chức quốc tế lên tiếng bảo vệ cá tra Việt Nam

Các tổ chức chứng nhận quốc tế lĩnh vực thủy sản khẳng định đa số các trang trại cá tra Việt Nam đều đạt tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: QH Quang Huy

Các tổ chức chứng nhận quốc tế về chất lượng,môi trường trong nuôi trồng thủy sản không tán thành khi các nhà bán lẻ châu Âuđã quyết định ngừng bán cá tra Việt Nam.

Ngày 15-2, thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC) đã có thông cáo báo chí phản biện thông tin khi một vài nhà bán lẻ ở Châu Âu đã quyết định ngừng bán cá tra Việt Nam.

Cơ quan này cho biết khi nuôi cá tra theo tiêu chuẩn ASC như tại Việt Nam, người mua và người tiêu dùng có thể tin tưởng khi ăn loại cá này. Tất cả chứng nhận thủy sản ASC tuân thủ hướng dẫn nghiêm ngặt để đảm bảo giảm thiểu tác động môi trường tiêu cực của nuôi trồng thủy sản.

Đại diện ASC cho biết trang trại cá tra được chứng nhận tiêu chuẩn ASC chỉ có thể được đặt tại các khu vực đã được phê duyệt cho nuôi trồng thủy sản, và được yêu cầu đo đều đặn các thông số nước khác nhau bao gồm nitơ, phốt pho, và nồng độ oxy để đảm bảo các thông số này vẫn nằm trong giới hạn thiết lập cho điều kiện phát triển tối ưu.

Các trình tự nghiêm ngặt cũng phải được thực hiện kèm theo đó để đảm bảo rằng nước thải không gây ô nhiễm hệ sinh thái. Các trang trại cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu để giảm thiểu dịch bệnh, không sử dụng thuốc kháng sinh, trừ khi thật sự cần thiết và chỉ có thể sử dụng thuốc kháng sinh dưới sự giám sát của bác sĩ thú y.

“Với tất cả các tiêu chuẩn của ASC, không có loại kháng sinh nào trong danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới về kháng sinh gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người được sử dụng tại trang trại cá tra”, ASC thông tin.

Trước nhiều thông tin tiêu cực xung quanh hoạt động nuôi cá tra hiện tại, Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA) cũng lên tiếng đảm bảo rằng cá tra Việt Nam được nuôi theo phương thức có trách nhiệm và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe. Người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn cá tra.

GAA cho rằng các nhà sản xuất cá tra được chứng nhận BAP phải trải qua các cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm và xem xét mức độ liên quan tới môi trường nghiêm ngặt. Những nhà sản xuất này luôn chú trọng đến việc tuân thủ các yêu cầu này.

GAA chỉ ra rằng các chiến dịch chống cá tra thường bắt nguồn từ các nhóm lợi ích cạnh tranh, rất dễ bóp méo sự thật. Những thông tin tiêu cực trong những chiến dịch chống cá tra đã bị các nghiên cứu khoa học và truyền thông phản đối.

Ông Simon Bush, giáo sư về chính sách môi trường tại Đại học Wageningen (Hà Lan) cho biết, nuôi cá tra gây ảnh hưởng tới môi trường là một phát ngôn thiếu khoa học. Liên quan đến tác động tới môi trường, bất kỳ loài cá nào, dù tự nhiên hay nuôi trang trại đều có tương tác với môi trường. Cá tra cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, các hệ thống sản xuất cá tra ở Đông Nam Á không có khả năng tạo ra những tác động tiêu cực tới môi trường.

Một nhà khoa học khác Emeritus Patrick Sorgeloos tại Đại học Ghent nhấn mạnh nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan chỉ ra tác động của ngành cá tra tới môi trường sống Mekong là không đáng kể.

Ông cho rằng các tổ chức như ASC và BAP đã lập ra những bộ tiêu chuẩn về môi trường và sản xuất đối với cá nuôi để công nhận rằng hoạt động của những nhà sản xuất cá tra không có tác động tiêu cực tới môi trường.

Do vậy, GAA kết luận rằng dựa trên các tiêu chuẩn mang tính khoa học, các cuộc thẩm tra độc lập, khắt khe, cá tra được chứng nhận là một sự lựa chọn an toàn và có trách nhiệm của người tiêu dùng. Việt Nam hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi đã đạt được các chứng nhận quốc tế ở mức cao, như Tiêu chuẩn nuôi cá tra bền vững (PAD) của Mỹ, hoặc tiêu chuẩn ASC của châu Âu…

Quang Huy Pháp Luật TpHCM, 15/02/2017