Nhìn thẳng thực trạng để có hướng phát triển ngành tôm tốt hơn
Đó là quan điểm chung được các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước tại hội thảo "Hội tụ để phát triển ngành tôm" vừa diễn ra tại Bạc Liêu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng: Khả năng các tỉnh ĐBSCL nâng cao năng suất tôm nuôi ở các mô hình quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm sinh thái, tôm rừng còn rất lớn. Bởi, theo phân tích của ông Vũ Văn Tám, hiện tại, năng suất của các mô hình này còn thấp. Nếu áp dụng khoa học kỹ thuật và tăng cường kiểm soát ao nuôi thì khả năng nâng năng suất lên 1,2 tấn/ha là điều rất dễ dàng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chính thức kiến nghị với Chính phủ công nhận tôm là sản phẩm quốc gia. Và nếu được Chính phủ đồng ý, ngành tôm Việt Nam sẽ được đầu tư mạnh hơn.
TS. Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản Việt Nam, cho rằng: Hơn 30 năm phát triển, ngành tôm Việt Nam đã chứng tỏ được thế mạnh cũng như giá trị kinh tế. Cả nước hiện có 28 tỉnh nuôi tôm nước lợ với diện tích trên 680.000ha, tổng sản lượng gần 600.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD. Trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL. Con tôm Việt Nam (chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng) đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn trước biến đổi khí hậu, môi trường nuôi và cạnh tranh của thị trường bên ngoài. Vì vậy, dù đạt kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng giá trị của ngành tôm chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo TS. Cherdsak Virapat, Tổng Giám đốc Mạng lưới trung tâm nuôi trồng thủy sản Châu Á, Thái Bình Dương (NACA), hạ tầng yếu kém, chi phí sản xuất cao, hàng rào thuế quan, tình trạng biến đổi khí hậu, điều kiện kinh tế - xã hội vùng nuôi… đang là những khó khăn, thách thức lớn đối với ngành tôm Việt Nam. Về thị trường tôm trên thế giới, TS. Cherdsak Virapat cho biết: Tình hình dịch bệnh trên tôm ở Thái Lan đã khả quan hơn và NACA đang hỗ trợ những hộ nuôi nhỏ ở Thái Lan quản lý tốt bệnh vi bào tử trùng.
Thời gian gần đây, khu vực miền Nam Thái Lan có mưa nhiều, nên nhiều khả năng buộc phải thu hoạch tôm nuôi sớm để tránh dịch bệnh bùng phát, nên dự báo sẽ giảm diện tích trong thời gian tới. Còn quốc gia có nền nuôi tôm lớn là Ấn Độ, trong năm 2015 cũng bị ảnh hưởng khá lớn do dịch bệnh đốm trắng, bệnh phân trắng, ký sinh trùng, vi bào tử trùng, nên năm 2016, sản lượng ước giảm khoảng 25%. "Nhìn chung, các nước nuôi tôm châu Á đều đang đối phó với tình hình dịch bệnh và thời tiết bất thường, nên sản lượng dự báo sẽ không tăng. Riêng các nước châu Mỹ dù đi theo khuynh hướng nuôi mật độ thưa, thu tôm cỡ lớn, nhưng một số vùng vẫn đang chật vật với dịch bệnh và ảnh hưởng động đất, nên dự báo sản lượng khoảng 2 - 3 năm tới mới có thể tăng" - TS. Cherdsak Virapat nhận định.
Bức xúc trước thực trạng ngành tôm, ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, thẳng thắn chỉ ra những khâu khiến ngành tôm Việt Nam bất ổn, giá thành cao và tính cạnh tranh kém. Đó là: quy hoạch vùng nuôi rất kém, rất yếu và có thể nói là chưa có quy hoạch các vùng nuôi mà chỉ mang tính tự phát của các hộ nuôi tôm, nên đến nay cả vùng nuôi ở ĐBSCL vẫn chưa có được cánh "đồng mẫu lớn" cho tôm, gây khó khăn cho công tác quản lý môi trường và dịch bệnh. Không chỉ có quy hoạch yếu kém, công tác giống và quy trình công nghệ nuôi cũng còn không ít bất cập.
Theo ông Lê Văn Quang, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có nơi nghiên cứu, gia hóa, chọn giống tôm bố mẹ; chưa tiếp cận tôm giống bố mẹ kháng bệnh và các trại giống còn sử dụng kháng sinh, khiến tôm nuôi chậm lớn. Về quy trình công nghệ nuôi, ông Lê Văn Quang chỉ rõ: "Lâu nay chúng ta nói nhiều đến quy trình này, công nghệ nọ, nhưng thật ra chúng ta vẫn chưa có được một quy trình, công nghệ nuôi tôm nào tốt, nên tỷ lệ nuôi thành công rất thấp, giá thành lại cao so với các nước. Trong khi đó, quốc gia Ecuador đã tiến đến mô hình sản xuất con giống kháng bệnh, nuôi với mật độ thưa, thu hoạch tôm sạch cỡ lớn và rất thành công". Ông Lê Văn Quang thắc mắc: "Tại sao chúng ta không áp dụng tiêu chuẩn BAP hay ASC để đồng bộ với quy định của các nước nhập khẩu, mà lại áp dụng VietGAP cho tốn kém, nhưng lại chẳng có nước nào công nhận".
Đối với hệ thống thủy lợi, theo ông Lê Văn Quang vừa yếu lại vừa thiếu đồng bộ, khiến cả vùng nuôi không có nước ngọt để bổ sung khi cần thiết, còn nguồn nước sạch phục vụ khâu thu hoạch tôm thì hầu như không có. "Không có nước sạch để rửa tôm khi thu hoạch, còn nước đá thì không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, nên tôm sau thu hoạch thường nhiễm vi sinh tổng số cao, nhà máy phải tốn nhiều chi phí để xử lý, làm tăng chi phí sản xuất và giá thành tôm khi xuất khẩu, giảm sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới" – ông Lê Văn Quang nói.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, thức ăn tôm Việt Nam gần như là độc quyền của các công ty nước ngoài, nên thị trường thức ăn luôn bị thao túng, đẩy giá lên cao, làm tăng chi phí cho người nuôi. Đó là chưa kể đến hàng loạt các yếu tố khác như: dịch vụ cung ứng dụng cụ, vật tư, thuốc, chế phẩm vi sinh và thức ăn; kiểm tra giám sát quy trình nuôi, thu hoạch, muối ướp, bảo quản và vận chuyển, chế biến xuất khẩu… tất cả các khâu đều có vấn đề. "Tôi rất mong các bộ, ngành, địa phương có vùng tôm hãy quan tâm chỉ đạo giải quyết ngay những vấn đề tồn tại để cứu lấy ngành tôm Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc cứu hàng trăm nhà máy chế biến, cùng hàng triệu người lao động cũng như người nuôi tôm trên cả nước" - ông Lê Văn Quang nói.