Nhu cầu thị trường cao hỗ trợ xuất khẩu tôm
Những tháng đầu năm, thời tiết thuận lợi, người nuôi tôm thu được sản lượng cao, bên cạnh đó nhu cầu thị trường vẫn cao, giá tôm thế giới ổn định hỗ trợ cho sản xuất và XK tôm. XK tôm Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018 đạt 440,5 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Tháng 2/2018, XK tôm đạt 175,7 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái do trùng với Tết nguyên đán tuy nhiên vẫn không ảnh hưởng đến đà tăng của 2 tháng đầu năm nay.
Top 10 thị trường NK chính của tôm Việt Nam bao gồm EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Canada, ASEAN, Đài Loan, Thụy Sỹ, chiếm 88,6% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. Trong 8 thị trường chính, trừ Nhật Bản, XK sang tất cả các thị trường còn lại đều tăng trưởng dương trong đó XK sang Australia tăng mạnh nhất 76,2%. Hàn Quốc cũng là thị trường có mức tăng trưởng tốt 40,2%. XK sang Nhật Bản trong tháng 2/2018 giảm 38% do tồn kho còn cao nên XK cả 2 tháng đầu năm nay giảm 68,2 triệu USD, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Tôm chân trắng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong cơ cấu các sản phẩm tôm XK của Việt Nam, chiếm 69,6%, tôm sú chiếm 19,4% và tôm biển 11%. Trung Quốc là thị trường NK tôm sú lớn nhất của Việt Nam với giá trị NK 23,3 triệu USD tôm sú từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay. Trong khi Mỹ là thị trường NK tôm chân trắng lớn nhất của Việt Nam với 45,8 triệu USD trong 2 tháng đầu năm nay.
So với 2 tháng đầu năm 2017, tỷ trọng tôm chân trắng tăng trong khi tỷ trọng tôm sú giảm. Hai tháng đầu năm 2018, giá trị XK tôm chân trắng tăng 29% trong khi tôm sú giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với tôm chân trắng, giá trị XK tôm chân trắng chế biến (HS 16) và tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (HS 03) tăng lần lượt 28% và 29%. Đối với tôm sú, giá trị XK tôm sú chế biến (HS 16) giảm 38% và tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS 03) giảm 16%. XK tôm khác khô (HS 03) tăng mạnh nhất 178%.
EU vẫn là thị trường NK lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 18,6% tổng XK tôm Việt Nam đi các thị trường. XK tôm sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm nay đạt 81,9 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang 3 thị trường chính trong khối (Hà Lan, Đức và Bỉ) đều tăng trưởng ở mức 2 con số. XK sang Hà Lan và Đức tăng lần lượt 62,6% và 42,5% trong khi XK sang Bỉ tăng trưởng thấp hơn đạt 31,8%.
EU được coi là thị trường “năng động” nhất của tôm Việt Nam trong năm 2017. Bước sang năm 2018, XK sang thị trường này vẫn duy trì được đà đi lên. XK tôm Việt Nam sang thị trường EU hiện khá thuận lợi do tôm Ấn Độ (đối thủ chính của Việt Nam tại EU) gặp khó khăn trên thị trường EU và đối mặt với nguy cơ EU cấm NK nên tôm Việt Nam được lựa chọn thay thế. Bên cạnh đó, tôm Việt Nam có lợi thế được hưởng GSP từ EU mà Thái Lan và Trung Quốc không có. Hiện tại, mức thuế GSP mà EU dành cho Việt Nam đối với tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) là 4,2%; tôm chế biến đông lạnh (HS 160521) là 7%.
Đặc biệt, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EVFTA) đang trong giai đoạn chuẩn bị có hiệu lực. Việt Nam sẽ có thêm cơ hội đẩy mạnh XK tôm sang EU sau khi Hiệp định này có hiệu lực. Theo cam kết, sau khi Hiệp định có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam trong đó có mặt hàng tôm sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt.
XK sang Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi sau khi liên tục sụt giảm trong năm 2017. XK sang Mỹ tháng 2/2018 đạt trên 75 triệu USD, tăng 6,6%. Nhờ tăng trưởng nên Mỹ đã vươn lên vị trí thứ 2 về NK tôm Việt Nam sau khi đứng ở vị trí thứ 4 trong năm 2017. XK sang Mỹ sụt giảm trong năm 2017 do tác động từ thuế chống bán phá giá cao và các DN phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của Ấn Độ trên thị trường Mỹ. XK sang Mỹ đầu năm 2018 có xu hướng nhích lên nhờ tiêu thụ trong nước khả quan, niềm tin người tiêu dùng cao và triển vọng kinh tế ở mức tích cực. Nhu cầu NK tôm của Mỹ vẫn cao: trong tháng 1/2018, NK tôm vào Mỹ đạt 61.716 tấn, trị giá 593,2 triệu USD, tăng 20% về khối lượng và 22% về giá trị.
Nhật Bản là thị trường NK tôm lớn thứ ba của Việt Nam, chiếm 15,5% tổng kim ngạch XK tôm của Việt Nam đi các thị trường. Giá trị XK sang Nhật Bản trong 2 tháng đầu năm nay đạt 68,2 triệu USD, giảm 15,8% do tồn kho còn cao. Nhật Bản được coi là thị trường có sức tiêu thụ ổn định nhất trong số các thị trường chính NK tôm Việt Nam. Các DN XK có nhiều cải thiện về chất lượng và quy cách chế biến sản phẩm nên ngày càng “thu hút” thị trường Nhật Bản.
Trong 2 tháng đầu năm nay, trong số các thị trường chính, XK tôm sang Australia tăng trưởng cao nhất 76,2% đạt 16,6 triệu USD. Nhu cầu NK tôm từ thị trường này khá lớn và Việt Nam đang có triển vọng XK được tôm nguyên con sang Australia sau những đánh giá tích cực của đoàn công tác Australia sang đánh giá quy trình, chất lượng sản xuất tôm của Việt Nam.