Nhu cầu thịt cá voi ở Na Uy tăng lại
Nhu cầu tiêu thụ thịt cá voi ở Na Uy đang tăng sau nhiều năm sụt giảm. Các nhà hoạt động bảo vệ động vật cảnh báo việc nới lỏng quy định đánh bắt có thể gây tổn hại đến loài này.
Na Uy là một trong ba quốc gia công khai cho phép đánh bắt cá voi thương mại, bên cạnh Nhật Bản và Iceland. Phần lớn sản lượng đánh bắt được gửi đến Nhật Bản, nơi có nhu cầu tiêu thụ thịt cá voi cao. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong nhiều năm, các doanh nghiệp Na Uy cho biết nhu cầu ăn thịt cá voi trong nước đang tăng lên, theo Guardian.
Hopen Fisk, công ty có trụ sở tại khu vực phía bắc Lofoten, cho biết nhu cầu thịt cá voi tăng khiến công ty này bán hết lượng thịt dự trữ hàng năm từ tháng 7. Đại diện công ty cho rằng nhu cầu tăng cao có thể do người tiêu dùng ngày càng chán thịt được sản xuất công nghiệp như thịt bò và thịt lợn.
Tính từ đầu năm tới nay, 484 con cá voi minke đã bị giết, gần bằng 1/2 hạn ngạch hàng năm là 1.278 con. Năm 2019, tổng số 429 con cá voi đã bị đánh bắt ở Na Uy và là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Đội tàu của Na Uy đang giảm chỉ còn 12 tàu tham gia đánh bắt cá voi vào năm nay. Con số này vào năm 2004 là 34 tàu.
Tuy nhiên, trong năm nay, chính phủ Na Uy đã nới lỏng các quy định tham gia săn bắt cá voi minke.
Odd Emil Ingebrigtsen, Bộ trưởng Thủy sản Na Uy, cho biết: “Tin tốt là chúng tôi đang chứng kiến cả sản lượng đánh bắt và nhu cầu đối với các sản phẩm gia tăng trong năm nay".
“Việc sửa đổi là một phần của nỗ lực chung nhằm đưa ra các quy định kịp thời và hiệu quả về nghề cá của Na Uy. Do đó, những rào cản không cần thiết đối với việc săn bắt cá voi đã bị loại bỏ", Bộ trưởng Ingebrigtsen nói thêm.
Các nhà bảo tồn từ lâu đã chỉ trích truyền thống săn bắt cá voi của Na Uy vì có thể làm tổn hại đến loài động vật này. Tuy thịt cá voi không phải là thực phẩm quan trọng trong chế độ ăn uống của người Na Uy, đây vẫn là món ăn phổ biến ở một số vùng.
Đánh bắt cá voi thương mại bị cấm trên toàn thế giới hơn 30 năm trước. Tuy nhiên, Na Uy chính thức phản đối lệnh cấm của Ủy ban Săn bắt Cá voi Quốc tế (IWC) vào năm 1986, nghĩa là nước này không bị ràng buộc chính thức. Năm 2019, 200 tấn thịt cá voi đã được xuất khẩu từ Na Uy sang Nhật Bản, trị giá khoảng 1,47 triệu USD.