Những cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam trong năm 2014
Bối cảnh trong nước và thế giới đều cho thấy, kinh tế Việt Nam đang và sẽ dần đi vào ổn định, hướng tới đẩy nhanh tái cơ cấu, cải thiện cung cầu, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Năm 2014 và tiếp theo, Việt Nam sẽ có nhiều năng lượng và cơ hội để tiếp tục ổn định, vượt mức tăng trưởng khoảng 5,5% và lạm phát khoảng 7% như kế hoạch đề ra. Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng với những điểm nhấn về phát huy dân chủ, hoàn thiện thể chế thị trường và tăng cường tái cấu trúc nông nghiệp càng củng cố lòng tin đó.
Bối cảnh trong nước và thế giới đều cho thấy, kinh tế Việt Nam đang và sẽ dần đi vào ổn định, hướng tới đẩy nhanh tái cơ cấu, cải thiện cung cầu, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Năm 2014 và tiếp theo, Việt Nam sẽ có nhiều năng lượng và cơ hội để tiếp tục ổn định, vượt mức tăng trưởng khoảng 5,5% và lạm phát khoảng 7% như kế hoạch đề ra. Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng với những điểm nhấn về phát huy dân chủ, hoàn thiện thể chế thị trường và tăng cường tái cấu trúc nông nghiệp càng củng cố lòng tin đó.
Sự hồi phục rõ rệt của kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản và duy trì đà tăng truởng ổn định của Trung Quốc và kinh tế thế giới nói chung, sẽ trực tiếp và gián tiếp mang lại những thuận lợi về lòng tin thị trường, đầu tư và tiêu dùng chung cho tất cả các nước, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là kỳ vọng cải thiện chung về xuất khẩu, thu hút FDI, ODA, kiều hối, cũng như duy trì sự ổn định chung về giá cả lương thực, năng lượng, giá vàng và tỷ giá. Đồng thời, việc ký kết những FTA khu vực và liên khu vực mà Việt Nam đang tham gia đàm phán, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế chung Đông - Nam Á (AEC), Hiệp định thương mại tự do với châu Âu hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…sẽ tạo cơ hội giảm thuế cho hàng xuất khẩu, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cơ hội xuất khẩu và khả năng dịch chuyển lao động, hàng hóa và dòng vốn qua biên giới và giữa các quốc gia thành viên cũng sẽ đậm hơn…từ đó mang lại nhiều việc làm và thu nhập hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ở trong nước, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ những thuận lợi đến từ những cơ hội gia tăng xuất khẩu và đón nhận dòng vốn từ nước ngoài gắn với xu hướng hồi phục kinh tế thế giới nêu trên, cũng như từ cộng hưởng hiệu ứng tích cực của một loạt chính sách vĩ mô mà Việt Nam đã triển khai hay sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2014, nhất là từ chính sách giảm thuế. Cơ hội kinh doanh trong nước cũng sẽ đậm hơn nhờ việc giảm lãi suất, tiếp tục nới lỏng linh hoạt tài chính và tín dụng, trong đó có mở rộng và tăng tốc giải ngân đầu tư công cho các dự án trong kế hoạch. Bên cạnh đó, niềm tin tiền đồng sẽ tiếp tục được giữ vững nhờ dự trữ ngoại hối tăng ba lần trong năm 2013 và tỷ giá chỉ tăng khoảng trên dưới 2% trong cả năm 2013 và cũng tăng không quá 3% như cam kết mạnh mẽ của NHNN. Lạm phát sẽ được kiểm soát nhờ những nỗ lực nêu trên, cộng với nhiều cơ sở để tin rằng khó có việc tăng hoặc giảm mạnh sốc giá vàng năm 2014 sau khi đã rớt giá khoảng 30% trong năm 2013, nhất là khi đồng USD đang mạnh lên, các đại gia vàng giảm hứng thú với cuộc chơi trên sân vàng, còn Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục độc quyền về nhập khẩu và mua bán vàng cuối cùng theo tinh thần Nghị định 24 mới được Thủ tướng tái khẳng định.
Doanh nghiệp trong nước sẽ phần nào “dễ thở” hơn, dù tín dụng ngân hàng chưa dễ tiếp cận, sức tiêu thụ chung của thị trường và thị trường bất động sản trong nước chậm phục hồi, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ít đột phá. Điều này có được nhờ kỳ vọng vào xu hướng hâm nóng dần thị trường nhà ở xã hội và hiệu ứng lan tỏa từ các cam kết hội nhập mới. Đến nay, Việt Nam đã tham gia Tổ chức Thương mại thế giới, Hiệp định đầu tư và kinh doanh với Mỹ và 6 FTA với các đối tác trong khu vực; đồng thời, đang tích cực thúc đẩy đàm phán ký kết 6 FTA khác, gồm TPP, FTA với EU, với Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakstan, với Hàn Quốc và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực… Triển khai tốt và tận dụng những lợi thế do những hiệp định này mang lại sẽ tạo ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu.
Năm 2014, nhiều khả năng, các hoạt động mua bán, sáp nhập DN và chuyển nhượng các dự án, thu hút FDI sẽ tăng mạnh trong năm 2014, nhất là những lĩnh vực giàu tiềm năng của Việt Nam, như ngân hàng, chứng khoán, nông nghiệp, bất động sản, tiêu dùng. Quá trình này còn đựợc cộng hưởng bởi sự tăng tốc quá trình cổ phần hoá DNNN trong năm, với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu chung, tăng cường công tác quản lý, giám sát, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, cùng với nỗ lực của các DN, cho phép tăng thêm kỳ vọng vào sự thành công của chặng đường tái cơ cấu DNNN nói riêng và tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế nói chung, từ đó tạo động lực và cơ hội mới phát triển hiệu quả hơn.
Nợ xấu năm 2014 có thể được giảm đi không chỉ bởi nỗ lực của mỗi DN, mà còn từ sự cân nhắc thực hiện Thông tư 02 và xóa nợ của Chính phủ cho DN. Thông tư số 179 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành từ ngày 17-1-2014, qui định sẽ xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1-7-2007 cho năm đối tượng, gồm: Hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn, không thanh toán được số tiền thuế nợ, đã ngừng kinh doanh và bốn nhóm DNNN đặc thù; theo đó, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng trở lên. Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 5 tỷ đồng.
Việt Nam vẫn có không ít lợi thế cạnh tranh, kể cả về nhân công. Chi phí gia công ở Ấn Độ và Trung Quốc đang gia tăng, nên theo tạp chí Forbes, Việt Nam là một điểm đến lý tưởng đối với nhiều nhà đầu tư quốc tế. Hãng tư vấn Mỹ NeoIT cho biết, chi phí nhân lực trong ngành công nghệ thông tin (IT) ở Việt Nam thấp hơn 40% so với Trung Quốc và Ấn Độ. Còn Hãng tư vấn AT Kearney thì dự báo Việt Nam sẽ trở thành trung tâm gia công (outsourcing) tiếp theo của ngành công nghiệp lập trình.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên 200 nước và vùng lãnh thổ. Hơn nữa, trong bối cảnh khó khăn năm 2013, Việt nam vẫn có 20 nhóm xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD tăng liên tục so với mức 4 nhóm năm 2000 và 19 nhóm năm 2012. Đặc biệt, năm 2013 xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng 36% so với năm 2012 và hy vọng năm 2014 Việt Nam sẽ lọt vào top 3 nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Hai nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là điện tử-máy tính-linh kiện và dệt may-giày dép (chiếm tổng tỷ trọng gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu) vẫn có triển vọng tăng trưởng rất khả quan, hầu hết các doanh nghiệp dệt may, giày dép đã nhận được đơn đặt hàng quý I và quý II/2014. Bên cạnh nhu cầu phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới, như các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới và định hướng chiến lược xuất khẩu có lợi thế, thì của Việt Nam vẫn còn những mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động sẵn có như thủy sản, nông sản, dệt may, điện tử, các sản phẩm chế tác công nghệ trung bình... trên cơ sở khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ... đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh. Điều này phản ánh năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nền kinh tế ngày càng mở rộng, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có sự chuyển dịch theo hướng tăng các sản phẩm qua chế biến. Hơn nữa, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn thuộc hàng tiêu dùng thiết yếu, nên ít thuộc diện cắt giảm tại các thị trường chủ chốt (Mỹ, EU...) khi người tiêu dùng tại các thị trường này tiết giảm chi tiêu. Bên cạnh đó, nhiều cơ hội mới sẽ mở ra cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam với một loạt hiệp định hợp tác sắp được ký kết, trong đó, nổi bật là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU)...
Những cơ hội lòng tin phục hồi kinh tế nền Việt Nam được giới quan sát quốc tế ghi nhận, cũng như từ bản thân cộng đồng DN. Báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng thế giới (WB) công bố ngày 5-12-2013 đã nhấn mạnh sự lạc quan về những điều kiện thuận lợi trong cán cân thanh toán, vị trí địa lý, nguồn lao động giá rẻ và dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn, cùng viễn cảnh lợi ích do các hiệp định thương mại như TPP, AEC mang lại cũng sẽ giúp cho FDI vào Việt Nam tiếp tục khả quan trong năm tới, tiếp nối đà hồi phục của năm 2013 (lần đầu tăng trở lại sau 5 năm giảm sút liên tục và vượt 50% tổng vốn đăng ký mới so với năm trước). Báo cáo khảo sát động thái DN của VCCI vừa công bố cho thấy, khoảng 50,7% DN có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh trong năm 2014, còn 42,5% DN sẽ mở rộng quy mô kinh doanh và 6,7% có thể giảm quy mô kinh doanh, chỉ có 0,1% DN có thể sẽ phải tạm ngừng hoạt động. Quyết định mở rộng quy mô kinh doanh năm 2014 của các DN dựa trên kỳ vọng tốt hơn về doanh thu, giá bán, hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị, năng suất lao động và lượng đơn đặt hàng.