Những điều cần biết khi nuôi giống cá hồi vân
Hồi vân là giống cá nước lạnh du nhập vào Việt Nam khoảng một thập kỷ qua. Giá trị kinh tế cao, đầu ra thuận lợi nên nghề nuôi cá hồi vân phát triển rất mạnh tại vùng có điều kiện khí hậu đặc thù như Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng)…
Đảm bảo nhiệt độ nước Một trong những cơ sở cung cấp giống cá hồi vân lớn và uy tín tại phía Bắc là Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) với sản lượng trên 1 triệu con giống/năm.
Th.S Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh cho biết, môi trường để nuôi cá hồi vân phải là nước lạnh. Hiện cá hồi vân có thể nuôi trong bể, hệ thống ao nước chảy, nuôi lồng và sử dụng thức ăn công nghiệp.
Ngưỡng nhiệt độ nước để nuôi cá hồi vân từ 4 - 24 độ C. Nếu vượt qua ngưỡng 24 độ C cá sẽ bỏ ăn và sống được trong thời gian ngắn. Khoảng nhiệt độ tốt nhất cho cá phát triển 12 - 21 độ C. Song, nhiệt độ phù hợp cá hồi vân thành thục sinh dục và sinh sản từ 8 - 12 độ C. Cá thành thục sinh dục yêu cầu có giai đoạn nhiệt độ xuống thấp khoảng 8 độ C, điều kiện nhiệt độ giai đoạn ấp trứng cá hồi thích hợp nhất là 8 - 12 độ C, ngoài khoảng này sẽ ảnh hưởng đến kết quả sinh sản.
Bên cạnh tiêu chí khắt khe về nhiệt độ nước, theo Th.S Nguyễn Thanh Hải, cá hồi vân còn yêu cầu độ pH ở ngưỡng thích hợp từ 6,5 - 8,5; Oxy hoà tan trên 6mg/lít. Cá có thể sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein trên 50% và hàm lượng lipit thô trên 20%.
Trong điều kiện nuôi với cỡ giống lớn 30g/con, cá có thể đạt khối lượng bình quân quân 0,6 - 1kg/con sau 6 tháng nuôi; 1,5 - 2kg/con sau 1 năm nuôi và đạt 1,8 - 2,5kg/con sau 1,5 năm. Tốc độ tăng trưởng của cá hồi vân phụ thuộc nhiều vào chất lượng thức ăn, chế độ cho ăn và môi trường sống.
Đa dạng cách nuôi Qua các mô hình Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh đã chuyển giao thành công, cá hồi có thể áp dụng nhiều hình thức nuôi khác nhau như nuôi bể, nuôi ao nước chảy hoặc nuôi lồng bè trên hồ chứa.
Các hệ thống cần trang bị cho trại nuôi cá hồi thương phẩm bao gồm bể nuôi cá giống nhỏ, bể hoặc ao nuôi cá hồi thương phẩm, hệ thống lồng lưới nếu nuôi lồng. Lưu ý các trại nuôi cần xây bể chứa nước và bể xử lý nước, đặc biệt cần có hệ thống sục khí, bởi đây là một trong những yêu cầu cần thiết nhất khi nuôi cá hồi.
Hiện người nuôi cá hồi thường dùng máy nén khí, máy bơm để tăng lượng oxy, trong bể mắc một số dây sủi, quả sủi để không khí được phát tán đều trong nước nhằm tăng lượng oxy hoà tan trong nước. Ao bể lớn có thể dùng loại máy quạt nước thay máy sục khí.
Một hạng mục khác cũng rất quan trọng khi nuôi cá hồi là thiết bị dùng để che ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp làm nhiệt độ nước tăng cao, nếu có hệ thống mái che là tốt nhất hoặc dùng loại lưới sợi nilon có màu đen.
Theo Th.S Nguyễn Thanh Hải, thực tế địa hình, địa lý và khí hậu tại Việt Nam hiện có hai nguồn nước chủ yếu để nuôi cá hồi là nước mặt và nước ngầm. Trong đó, nước mặt gồm khe suối, các loại hồ chứa, nên chịu ảnh hưởng lớn của lưu lượng và chất nước, mùa khô dễ xảy ra hiện tựợng nước quá giàu dinh dưỡng, mùa mưa chịu ảnh hưởng của mưa lũ nên bùn cát và rác quá nhiều.
Nước ngầm gồm nước mặt thấm xuống hoặc nước mặt tầng sâu. Nhìn chung nước ngầm không bị ô nhiễm, nhiệt độ cả năm khá ổn định, độ trong cao nhưng hàm lượng oxy thấp, có nơi trong nước ngầm sâu có chứa quá nhiều ion kim loại. Theo thực tế nuôi cá hồi hiện nay, sử dụng nước khe suối nơi núi cao có nhiệt độ thấp là tốt nhất.
Khi nuôi cá hồi vân cần lưu ý thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường như nhiệt độ nước, oxy hòa tan phải luôn duy trì trên 6mg/l. Tiến hành xi phông đáy ao bể hàng ngày tránh hiện tượng nước bị ô nhiễm do lượng thức ăn nhiều, chất thải... vì hàm lượng đạm, mỡ trong thức ăn cá hồi rất cao.
Nếu nuôi lồng định kỳ làm sạch lồng với chu kỳ 3 ngày/lần và cứ 1 tháng tiến hành thay lưới mới nhằm tránh hiện tượng lưới ngâm lâu ngày dễ phát sinh bệnh tật.
Nuôi cá hồi cần thực hiện chế độ ghi chép nhật ký và giám sát thường xuyên. Giám sát và ghi chép hàng ngày về chế độ nước, cho ăn, dùng thuốc, hiện trạng bắt mồi của cá.
+ Khi nuôi cá hồi bệnh thường gặp nhiều nhất là do nấm và ký sinh trùng... vì vậy cần có chế độ chăm sóc cẩn thận như tắm muối định kỳ 2 tuần/lần, nồng độ 2% trong khoảng 20 - 30 phút.
+ Cá hồi nuôi khoảng 12 - 15 tháng có kích cỡ trung bình đạt 1,5 - 1,8kg là tiến hành thu hoạch. Khi thu hoạch thực hiện thao tác nhẹ nhàng vì thể trạng của cá rất yếu dễ bị chết làm giảm giá trị sản phẩm.