TIN THỦY SẢN

Những điều cần biết khi nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến

Nuôi ao quảng canh và quảng canh cải tiến đòi hỏi sự hiểu biết đúng. Ảnh: Tép Bạc PDT

Ngày nay, diện tích nuôi tôm quảng canh dần ít đi, thay vào đó là áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến phổ biến rộng rãi. Vậy nó có khác với cách nuôi tôm quảng canh và có những điều gì cần phải lưu ý khi nuôi. Cùng Tép Bạc tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Nuôi tôm quảng canh cải tiến là gì? 

Nuôi tôm quảng canh nghĩa là sử dụng 100% thức ăn tự nhiên, tôm tự lớn, người nuôi không sử dụng thức ăn công nghiệp, mật độ nuôi thấp thường khoảng dưới 1-2 con/m2 tùy theo kỹ thuật chăm sóc và diện tích nuôi. Khi diện tích nuôi lớn, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào người nuôi có thể tăng mật độ lên trên 2 con/m2 nhưng không quá 5 con/m2. 

Khi nâng mật độ lên mức cao hơn, thức ăn tự nhiên không đủ cung cấp cho tôm phát triển giai đoạn về lớn nên cần bổ sung thức ăn công nghiệp hoặc cá tươi, một số loài 2 mảnh vỏ, ốc gạo, hến…Trong giai đoạn 1 đến 2 tháng cuối để thúc tôm về đích. Khi đó, có thể gọi đây là nuôi tôm quảng canh truyền thống cải tiến. 

Ngày nay, người nuôi quảng canh cải tiến thường kết hợp các đối tượng nuôi để đạt bảo hiểm như: tôm thẻ chân trắng kết hợp với tôm càng xanh, tôm sú - tôm thẻ, tôm thẻ - cua hay tôm sú - cua… Các cách nuôi này mật độ nuôi đến khi thu hoạch từ 5 đến 10 con/m2 và có khi cao hơn. Sau 10 đến 15 ngày thả giống, người nuôi cho chúng thức ăn công nghiệp đến khi về đích. 

Bờ ao vững chắc, không bị mọi 

Mọi bờ làm biến động môi trường pH, kH làm cho tôm bị stress, dễ bị bệnh, mọi bờ cũng là một trong những nguyên nhân làm đốm trắng lây lan và biến động môi trường nuôi. 

Bờ ao cần được đắp chắc chắn trước khi thả nuôi tôm. Ảnh: baocamau.vn

Mọi do không phơi đầm, cải tạo không sạch. Người nuôi tôm đã hơn 20 năm đất đai lão hóa nhiều năm, việc lão hóa đất đai cần phơi mặt đầm cho đất cứng để sạch mầm bệnh và làm nơi trú ngụ khi tôm lên kiếm thức ăn vào ban đêm. Ngoài ra, khi cải tạo ao nuôi không sạch hoặc không đảm bảo các điều kiện cần thiết thì rất dễ tồn lưu mầm bệnh, thuốc cá không hết cũng làm ảnh hưởng đến tỷ lệ đạt của tôm. 

Mọi làm lây nhiễm mầm bệnh từ ao nuôi lân cận, hoặc những con cua di chuyển từ ao này sang ao kia cũng dễ lây lan mầm bệnh, làm tỷ lệ hao hụt trong ao nuôi cao. Con cua, tôm thường thích dòng chảy vì chúng sống trong nước theo tập quán tự nhiên có dòng chảy, nên nơi nào có dòng chảy do xì, mọi thì chúng sẽ di chuyển. Nếu môi trường ao nuôi khác nhiễm bệnh thì cua di chuyển theo dòng chảy, từ ao nuôi có mực nước thấp sang ao nuôi có mực nước cao cũng dễ làm lây lan mầm bệnh. 

Mọi làm xì phèn. Nếu bên ao có mực nước cao chảy qua ao có mực nước thấp thì phèn sẽ theo đất đi qua theo làm tỷ lệ phèn cao, ảnh hưởng đến tôm, cua trong ao nuôi. 

Định kỳ phơi mặt đáy, cải tạo ao 

Phơi đầm là một trong những bước quan trọng không thể thiếu trong kỹ thuật cải tạo ao nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến. Môi trường đáy ao phải được cải tạo kỹ lưỡng và quản lý tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tôm sinh trưởng và phát triển trong quá trình nuôi. Phơi đầm giúp oxy hóa các chất hữu cơ, tiêu diệt mầm bệnh, giải phóng khí độc tích tụ trong nền đáy, phân hủy hoàn toàn chất thải, thuận lợi cho việc gây màu nước, phát triển nguồn thức ăn tự nhiên trong ao. 

Duy trì nguồn thức ăn tự nhiên 

Cần duy trì cho nguồn thức ăn tự nhiên luôn ở mật độ cao để tôm sử dụng, và theo thời gian nhu cầu thức ăn của tôm cũng tăng dần nên việc duy trì là luôn luôn cần thiết. Bên cạnh đó, các loài cá tạp có trong ao nuôi tôm cũng là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến mật độ của các loài thức ăn tự nhiên và cạnh tranh thù địch với tôm. 

Ao nuôi tôm quảng canh cần được tạo nơi trú ẩn cho các loài trong ao

Tạo nơi trú ẩn cho vật nuôi 

Hiện nay có nhiều mô hình nuôi tôm kết hợp cùng với các loài thực vật cũng mang lại năng suất rất cao như mô hình tôm - lúa, tôm- năng tượng hoặc nuôi tôm trong rừng sinh thái cây đước, mắm….  

Khi kết hợp nuôi tôm cùng các loại thực vật nêu trên ở mật độ nuôi vừa phải giúp cho môi trường sinh thái trong ao phong phú, có nhiều nguồn dinh dưỡng, là giá thể để các chủng vi sinh có lợi phát triển, là nơi trú ẩn của tôm khi nắng nóng nhiệt độ cao, làm môi trường trong ao ít biến động, làm nguồn thức ăn tự nhiên phát triển và làm thức ăn cho tôm giúp tôm mau lớn. 

Tuy nhiên khi dùng thuốc cho các loại cây trồng (lúa, năng tượng,…) bà con nên chọn các loại thuốc có nguồn gốc sinh học để ít ảnh hưởng đến tôm nuôi trong ao. 

Hiện nay, việc nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến bằng thức ăn tự nhiên 100% phần nào đã trở nên khó khăn khi môi trường nước và khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn. Các cơ quan chức năng địa phương cũng đang tìm hướng giải quyết. 

PDT