TIN THỦY SẢN

Những điều cần lưu ý cho thủy sản trong mùa nắng nóng

Người nuôi thủy sản ở xã Cam Hòa phải bật quạt nước liên tục để cải thiện môi trường ao nuôi. Hải Lăng

Thời gian gần đây, người nuôi trồng thủy sản (NTTS) liên tục đối diện với tình trạng thủy sản nuôi chết yểu, chậm lớn do thời tiết nắng nóng kéo dài kèm theo mưa dông. Để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết đến NTTS, Chi cục Thủy sản đã có khuyến cáo cụ thể đến người nuôi các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho thủy sản.

Người nuôi bị ảnh hưởng

Liên tục gần đây, nhiều hộ nuôi tôm, cua xanh trên vùng đìa Cam Hòa (huyện Cam Lâm) đứng ngồi không yên khi các loại thủy sản nuôi chậm lớn, thậm chí có hộ thả nuôi tôm thẻ chân trắng mới được 10 ngày đã gặp phải tình trạng tôm chết yểu. Những hộ nuôi cua xanh hơn 3 tháng cũng rơi vào tình trạng cua chết.

Ông Nguyễn Đình Tâm (xã Cam Hòa) cho biết: “Gia đình tôi có 3 ao nuôi tôm và cua xanh. Trong số 5.000 con cua xanh 3 tháng tuổi, chỉ trong vòng 15 ngày, cua chết hơn 1.000 con, 40 vạn con tôm giống thả xuống chỉ 10 ngày cũng chết sạch. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do thời tiết nắng nóng kéo dài, kèm theo mưa dông khiến môi trường nước thay đổi liên tục. Tuy đã áp dụng nhiều biện pháp chống nóng cho thủy sản nuôi, liên tục chạy quạt nước, bổ sung khoáng chất vào thức ăn… nhưng nhiều ao nuôi trong vùng nuôi Cam Hòa vẫn bị thiệt hại nặng”.


Nắng nóng đã khiến cua xanh nuôi ở vùng đìa Cam Hòa chết nhiều.

Vùng nuôi thủy sản bằng lồng bè ở huyện Vạn Ninh cũng bị ảnh hưởng lớn do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Theo thông tin từ Trạm Thủy sản Vạn Ninh, trên địa bàn huyện có 39.954 lồng nuôi thủy sản, trong đó 11.321 lồng nuôi tôm hùm và 863 lồng nuôi cá; số còn lại hơn 27.700 lồng vẫn chưa được thả nuôi. Nguyên nhân do người dân lo ngại về đầu ra và thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của thủy sản nuôi.

Vừa qua, Tổng cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III liên tiếp có những cảnh báo về thời tiết nắng nóng gay gắt trong NTTS, trong đó có các tỉnh Nam Trung Bộ, đặt biệt khu vực Khánh Hòa. Kết quả khảo sát thực tế ở địa phương cho thấy, tại các vùng NTTS tập trung ở một số tỉnh trọng điểm khu vực Nam Trung Bộ, nhiệt độ nước tăng cao (từ 330C trở lên) trong các ao nuôi thủy sản, đầm, vịnh, kéo dài từ 13 đến 15 giờ hàng ngày, gây bất lợi cho sức khỏe thủy sản nuôi.

Những khuyến cáo cần chú ý

Theo ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, với tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay, Chi cục Thủy sản đã có công văn đề nghị các địa phương có biển tăng cường quản lý NTTS trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Trong đó, chú ý hướng dẫn người NTTS ao đìa, nhất là nuôi tôm nước lợ và tôm hùm, cá biển lồng bè tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nhằm hạn chế tối đa các ảnh hưởng, thiệt hại do nắng nóng gây ra.

Đối với tôm nuôi nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), người nuôi cần:

  • Sử dụng lưới lan che trên bề mặt để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm nhiệt độ nước trong ao, tránh gây sốc cho tôm nuôi, luôn duy trì mực nước trong ao trên 1,2m.
  • Hàng ngày, người nuôi cần xi phông kỹ đáy ao và chủ động tích trữ nguồn nước sạch để cấp vào ao nuôi khi cần thiết, nên cấp nước từ từ, khoảng 20 - 30% lượng nước trong ao, cấp vào lúc trời mát, cấp nước cần qua ao lắng và xử lý.
  • Tăng cường quạt nước nhằm hạn chế sự phân tầng của nước trong ao nuôi và cung cấp đủ oxy cho tôm, đặc biệt vào ban đêm. Người nuôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra tôm nuôi, bổ sung thêm vào thức ăn vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi, giảm 50% lượng thức ăn khi trời nắng nóng gay gắt.
  • Khi thấy tôm nuôi có hiện tượng bất thường, bỏ ăn, màu sắc nhợt nhạt… thì có thể thu hoạch sớm để tránh thiệt hại kinh tế.

Đối với thủy sản nuôi trong các đầm, vịnh bằng lồng bè, người nuôi cần:

  • Hạn chế thả mới, thu gom lồng, bè không có thủy sản nuôi nhằm tạo sự thông thoáng cho mặt nước khi thời tiết nắng nóng kéo dài.
  • Đối với những nơi có hàm lượng vật chất hữu cơ nhiều thì cần đặt lồng nuôi cách đáy khoảng 1,5 - 2m, bố trí khoảng cách giữa các lồng nuôi đảm bảo độ thông thoáng, thuận tiện trong quá trình chăm sóc, quản lý, vệ sinh lồng nuôi, khoảng cách giữa các bè nuôi tối thiểu 50m.
  • Thường xuyên vệ sinh lưới lồng nuôi sạch sẽ, thông thoáng để tăng lưu tốc dòng chảy, cải thiện chất lượng nước, tăng hàm lượng oxy trong nước.
  • Dùng lưới lan để giảm ánh sáng trực tiếp xuống đáy lồng nuôi, giảm 50 - 70% lượng thức ăn hàng ngày hoặc ngừng cho ăn vào những lúc nắng nóng gay gắt.
  • Cùng với đó, cần thường xuyên lặn, kiểm tra theo dõi sức khỏe thủy sản nuôi, thu gom thức ăn thừa, vỏ lột, xác thủy sản chết, khi cho ăn cần chú ý chọn loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng.
  • Trong quá trình nuôi, nếu phát hiện môi trường nước tại vùng nuôi diễn biến bất thường hoặc thủy sản chết, cần sớm thông báo cho các cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời. Khi có thủy sản chết, người nuôi cần thu gom đem vào bờ xử lý, không được xả thải, gây ô nhiễm môi trường.

Tuy đang vào mùa vụ thả nuôi nhưng do dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, người dân không mạnh dạn đầu tư thả giống nên diện tích NTTS trong tháng 5 chỉ được 577ha, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ 217ha, giảm 9,6%. Cá 150ha, giảm 16,2%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích NTTS được 2.643,7ha, giảm 0,78% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích tôm nước lợ 1.337,2ha, tăng 0,3%, cá 460,5ha, giảm 4,8% và thủy sản khác 846ha, giảm 0,1%.

Hải Lăng Báo Khánh Hoà