Những người đưa giống ba ba lên núi
Ở xóm 10, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) đã hình thành mô hình nuôi ba ba thương phẩm. Đây là một hướng theo bà con đánh giá là phù hợp và có hiệu quả kinh tế. Ông Lê Chiến Thắng, Bí thư Chi bộ, trưởng xóm 10, xã Tràng Đà là một trong những người tiên phong nuôi ba ba.
Ông Thắng cho biết, nuôi ba ba không quá khó, không cần phải áp dụng khoa học kỹ thuật quá nhiều mà chủ yếu là phải quản lý được chúng. Bởi ba ba tuy sống dưới nước nhưng là giống có chân nên bò rất khỏe, nếu không quản lý được thì coi như mất trắng. Chính vì thế, khi bắt đầu nuôi, gia đình đã đổ nhiều tấm bê tông tròn hình bi giếng, rồi ken các tấm lưới bằng sắt toàn bộ diện tích xung quanh ao để giữ không cho ba ba bò lên bờ. Bên cạnh đó, xây dựng một khu vực riêng cho ba ba đẻ trứng. Nguyên chi phí đầu tư ban đầu mua giống và chuẩn bị cơ sở vật chất cũng lên đến gần 300 triệu đồng. Hiện gia đình ông nuôi hơn 100 con ba ba, chủ yếu là ba ba trơn.
Theo ông Thắng, ba ba thích sống nơi yên tĩnh, ít tiếng ồn, kín đáo nhưng loại vật nuôi này cũng rất hay cắn nhau, con lớn hay cắn con bé, bị đói lâu có thể ăn thịt con bé. Chính vì vậy, nuôi với mật độ bình quân 2 con trưởng thành/1m2 là đảm bảo. Nguồn thức ăn của ba ba chủ yếu là cám, cá nhỏ, nội tạng động vật. Ba ba chỉ thu hoạch được khi mỗi con nặng khoảng 1,6 kg trở lên thì giá đạt khoảng 500 nghìn đồng/kg.
Với giống ba ba này, phải nuôi sang năm thứ 3 mới được xuất bán, trọng lượng đạt 1,6 - 1,8 kg. Mới đây, ông đã sang tìm hiểu và học tập mô hình nuôi ba ba gai ở tỉnh Yên Bái. Thấy giống này không quá kén môi trường sống, lại có thể phát triển trong điều kiện chật hẹp, trọng lượng tối đa có thể đạt 20 kg/con, ông đã nuôi thử nghiệm 10 con.
Ông Lê Chiến Thắng chia sẻ, sau khi thấy gia đình ông nuôi, một số gia đình xung quanh có diện tích ao đã bắt đầu học tập kinh nghiệm và nuôi ba ba. Hiện đã có 6 nhà nuôi ba ba, diện tích gần 1 mẫu. Một số gia đình cũng đang cải tạo lại ao để kết hợp thả cá với nuôi ba ba. Do đó, ông Thắng cũng đang có ý tưởng thành lập tổ hợp tác nuôi ba ba giúp bà con trong xóm có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi để đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Lê Chiến Thắng và bà Trần Thị Lộc, xóm 10, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) trao đổi kinh nghiệm nuôi ba ba sinh sản.
Gia đình bà Trần Thị Lộc năm nay cũng bắt đầu nuôi ba ba. Với một sào ao trước nhà, bà kết hợp nuôi gần 100 con ba ba con với nuôi các loại cá trắm, trôi, rô phi... Bà cho biết, thuận lợi trong nuôi ba ba ở đây là có nguồn nước từ trên núi xuống nên nước được thay đổi liên tục, môi trường sống của ba ba rất sạch. Ba ba sống dưới nước nhưng đẻ trứng trên cạn.
Mùa ba ba đẻ thường vào mùa mưa, đẻ xong chúng xuống nước sinh sống, không biết ấp trứng. Trứng nằm trong ổ từ 51 đến 55 ngày thì nở, điều kiện ấp tự nhiên này tỷ lệ nở rất thấp. Chính vì vậy, các gia đình đã học hỏi nhau tạo chỗ cho ba ba đẻ thuận lợi hơn và có nhiều phương pháp ấp trứng đảm bảo tỷ lệ nở cao trên dưới 90%.
Ba ba có thể đẻ từ 2 - 5 lứa trong năm, ba ba cái càng lớn, chế độ nuôi vỗ cho ăn càng tốt đẻ càng nhiều lứa, mỗi lứa cách nhau từ 25 đến 30 ngày. Một số con đẻ sớm vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4, đẻ rộ trong các tháng 5 - 7 sau đó đẻ rải rác tiếp các tháng 8 đến cuối tháng 10 là kết thúc vụ đẻ. Kế đó, thời vụ nuôi bắt đầu vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 12.
Từ giữa tháng 12 đến hết tháng 2 thời tiết lạnh, ba ba không ăn nhiều và lớn chậm. Các tháng ba ba sinh trưởng nhanh nhất là từ tháng 5 đến tháng 10. Hiện tại gia đình mới nuôi thử nghiệm, nếu thành công thì đây có thể là một hướng đi khá chắc, bởi giá ba ba trên thị trường hiện nay là 500 nghìn đồng/kg.
Tuy hiện chỉ có 6 hộ xây dựng mô hình nuôi ba ba nhưng với những kết quả bước đầu đạt được từ bán ba ba thương phẩm, bà con nông dân xóm 10, xã Tràng Đà tin tưởng đây là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.