TIN THỦY SẢN

Những tháng cuối năm: Doanh nghiệp “khát” vốn

Ngành thủy sản đang huy động vốn để tăng cường sản xuất kịp tiến độ giao hàng cho đối tác Thùy Dương

Bước sang quý IV/2015, nhiều doanh nghiệp (DN) đang tập trung lực và vốn để sản xuất các đơn hàng phục vụ thị trường cuối năm.

Ông Nguyễn Tôn Quyền- Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES)- cho biết, ngành gỗ đang ở giai đoạn nước rút để sản xuất đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, do đó nhu cầu vốn rất lớn. Một mặt, các DN gỗ tích cực vay vốn ngân hàng, mặt khác huy động vốn từ nội bộ công ty. “Dù có nhiều trở ngại về nguyên liệu, chênh lệch tỷ giá, nhưng chúng tôi kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu gỗ năm nay sẽ về đích 7 tỷ USD”- ông Quyền khẳng định.

Ông Huỳnh Quang Đấu- Giám đốc Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco)- cho hay, thời gian qua, DN đã được hưởng lợi từ chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, mỗi USD thu về từ các lô hàng XK đã có thể cộng thêm hơn 2.000 đồng chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, các tháng tới, DN chế biến nông sản xuất khẩu sẽ cần gấp đôi nguồn vốn để mua nguyên liệu.

Với ngành thủy sản, theo ông Hoàng Hữu Thành- Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH TM- DV Thuận An (Tafishco)- các DN thủy sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bắt đầu vào vụ thu mua nguyên liệu để chế biến phục vụ các đơn hàng xuất khẩu trong dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch. Hiện các DN có vùng nuôi lớn, có khả năng tự cung ứng nguyên liệu tốt, đang tập trung vốn cho các lô hàng phục vụ thị trường cuối năm để kịp giao cho đối tác. Do đó, nhu cầu vốn ngắn hạn thu mua cá nguyên liệu bắt đầu tăng.

Riêng Tafishco mỗi tháng xuất đều đặn khoảng 1.000- 1.200 tấn cá tra fillet các loại. Từ tháng 10 đến tháng 12, lượng hàng xuất có thể tăng lên vài trăm tấn mỗi tháng, vì thế nguồn vốn ngắn hạn để DN chủ động nhận đơn hàng, thu mua nguyên liệu rất cần thiết. Cũng theo ông Thành, do công ty mới chỉ chủ động được khoảng 50% vốn cho thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến, nên hiện cần vay thêm một lượng vốn lớn khoảng vài trăm tỷ đồng.

Ông Trương Đình Hòe- Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - nhận định, trong các tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn cho các DN sản xuất, xuất khẩu nông, thủy, hải sản xuống dưới mức trần 7% như hiện nay, đồng thời tăng hạn mức tín dụng và tăng thời gian cho vay, để các DN chủ động vốn cho các đơn hàng phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Trước nhu cầu vốn “khủng” của DN, nhiều ngân hàng đã triển khai hàng loạt các sản phẩm dịch vụ mới, ví dụ: HDBank dành 4.000 tỷ đồng để cho các DN vay bảo đảm bằng thẻ tiết kiệm; ABBank, SCB đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới nhằm hỗ trợ DN, với tổng trị giá mỗi gói vay từ 500 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng…

Với những gói tín dụng đó, các ngân hàng kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu vốn ngắn hạn cuối năm của DN xuất khẩu.nTheo VASEP, những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn cho các DN sản xuất, xuất khẩu nông, thủy, hải sản xuống dưới mức trần 7% như hiện nay.

Thùy Dương Báo Công Thương, 29/09/2015