Những thành công bước đầu của mô hình VietGAP
Vài năm trở lại đây, nông dân ở một số nơi trong tỉnh dần được tiếp cận với loại hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đạt nhiều kết quả bước đầu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, phấn khởi: “Huyện Trần Văn Thời đã phát triển được loại hình này ở xã Khánh Hưng với cây thanh long ruột đỏ. Năng suất cao, lợi nhuận từ đó cũng lớn hơn. Hy vọng thời gian tới, địa phương sẽ được hỗ trợ để thực hiện loại hình sản xuất này ở nhiều nơi hơn nữa. Có như vậy thì nông dân mới quen dần với lối sản xuất theo hướng hiện đại, an toàn”.
Người nuôi tôm huyện Cái Nước đã tiếp cận với mô hình VietGAP từ đầu năm 2014 với 4 hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến, năng suất tăng cao hơn so với sản xuất theo hướng truyền thống. Lợi nhuận từ đó cũng tăng lên, đời sống được cải thiện, kinh tế ổn định. “Ban đầu quen với lối sản xuất truyền thống, khi mới tiếp cận với loại hình này cũng còn nhiều bỡ ngỡ.
Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện thì thói quen mình đã được cải thiện rất nhiều, hiệu quả kinh tế cao”, Ông Lâm Văn Tuấn, ấp Rạch Muỗi, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, phấn khởi. Cụ thể, tôm năm 2014, ông Tuấn thả thả 80.000 con tôm theo hướng VietGap, sau 3 tháng nuôi, ông thu hoạch tỉa được hơn 50 triệu đồng. Đặc biệt, ông bán được một số tôm sống rộng ôxy cho thương lái với giá rất cao; số còn lại, ông dự kiến thu hoạch hơn 50 triệu đồng.
Cùng được hỗ trợ nguồn con giống và kỹ thuật, anh Trương Chí Nguyễn, ngụ cùng ấp Rạch Muỗi, đã sản xuất theo hình thức VietGap và dần thay đổi được thói quen trong sản xuất. Thói quen ghi chép để tính lời lãi, và kinh nghiệm cho vụ sau đã giúp anh Nguyễn rất nhiều. Anh Nguyễn thừa nhận: “Trước đây thả giống theo hình thức gối đầu hằng tháng, không tuân thủ theo lịch thời vụ khuyến cáo, cho nên tôm thường chết triền miên”. Tương tự anh Nguyễn, với 15.000 m2 đất nuôi tôm truyền thống không đạt hiệu quả, ông Trương Hồng Út chuyển sang hình thức nuôi theo hướng sản phẩm hàng hoá, chú trọng đến chất lượng, năng suất. Cuối vụ nuôi, năng suất tôm của anh Út tăng gấp nhiều lần so với trước.
“Nông dân sản xuất theo hướng VietGap thì Phòng NN&PTNT địa phương rất mừng. Tuy nhiên, do còn ít mô hình quá, cộng thêm sản phẩm VietGap còn ít, nhỏ lẻ nên bán đại trà ở ngoài. Do đó, một số nông dân vẫn chưa hăng hái tham gia. Mong rằng, sắp tới có nhiều mô hình hơn nữa để nông dân học hỏi và thay đổi thói quen sản xuất”, ông Đoàn Văn Chính, Phó Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, trăn trở.
Nuôi tôm theo hình thức VietGap, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản theo hướng hàng hoá công nghiệp đã mở ra hướng đi mới cho nền sản xuất nông nghiệp bền vững của tỉnh Cà Mau. Thực trạng về hạ tầng vùng nuôi thuỷ sản yếu kém, hệ kênh thuỷ lợi chưa đáp ứng được nhu cầu, chuỗi con giống, thức ăn, quy trình nuôi chưa được chứng nhận, đó là những cản trở lớn nhất đối với hình thức nuôi mới này cần sự trợ lực từ các ngành chức năng./.