TIN THỦY SẢN

Ninh Bình: Kim Sơn là vùng trọng điểm nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2020

Quang Hưng

Tỉnh Ninh Bình xác định khu vực bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn là vùng trọng điểm nuôi trồng thuỷ sản theo quy mô công nghiệp, bán công nghiệp với diện tích 14.040 ha giai đoạn 2011-2015

Nuôi cua trong đê Bình Minh 2, xã Kim Đông (Ảnh: tepbac.com)

Tỉnh Ninh Bình xác định khu vực bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn là vùng trọng điểm nuôi trồng thuỷ sản theo quy mô công nghiệp, bán công nghiệp với diện tích 14.040 ha giai đoạn 2011-2015, sau tăng lên 17.050 ha (năm 2020). Tổng sản lượng thủy sản đạt 51.400 tấn đến gần 69.000 tấn.

Giá trị sản xuất mặt hàng này ở mức 1.100 tỷ đồng đến hơn 1.900 tỷ đồng, chiếm 18% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Trị, bên cạnh việc duy trì 540 thuyền máy, thuyền thủ công hoạt động ổn định, tỉnh tiến hành hoàn thiện khu neo đậu tránh, trú bão tại cửa sông Đáy, hai bến cá Kim Đông, Kim Hải; tăng cơ sở sản xuất nước đá, nơi cung cấp nhiên liệu, nước ngọt, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi đánh bắt tận diệt, vét gọn, không khai thác thuỷ sản còn non để phát triển bền vững.

Thời gian tới, Ninh Bình xây dựng 1 nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu với công suất 1.000 tấn sản phẩm/năm; 1 kho đông lạnh công suất 200 tấn tại cụm công nghiệp Bình Minh; 2 kho lạnh thương mại công suất 100 tấn ở các khu vực khác để bảo quản nguyên liệu. Tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách, vốn vay, vốn doanh nghiệp, vốn do nhân dân đóng góp... được ấn định là 3.684 tỷ đồng.

Ông Trị cho biết, quan điểm phát triển nuôi trồng thuỷ sản của Ninh Bình là khai thác, sử dụng hợp lý tiềm năng, lợi thế về đất đai, mặt nước và lao động của vùng một cách hiệu quả đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, có lồng ghép với hoạt động các ngành kinh tế khác để tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động là người địa phương.

Các vây nuôi ngao tại bãi bồi Kim Sơn (Ảnh: tepbac.com)

Tỉnh khuyến khích hộ gia đình phát triển nuôi thuỷ sản nước ngọt theo quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) bằng một số giống có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định như tôm càng xanh, cá lóc bông, rô phi đơn tính, cá điêu hồng, chép lai xen lẫn với các loại cá mè, trôi, trắm, chép; ở vùng nước mặn, nước lợ là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao chất lượng cao, cua xanh.

Quang Hưng Nguồn: agroviet.gov.vn