Ninh Bình: Nuôi cá rô phi đơn tính bán thâm canh theo hướng bền vững (VietGAP)
Theo thống kê, sản lượng cá rô phi thương phẩm năm 2014 ước đạt 125.000 tấn, khối lượng đưa vào chế biến xuất khẩu khoảng 25.000 tấn, tương đương với 10.000 tấn sản phẩm. Tiêu thụ nội địa ở dạng sống đạt 100.000 tấn. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sản phẩm cá rô phi đông lạnh. Năm 2014 tổng kim ngạch xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam đạt hơn 32 triệu USD. Thị trường xuất khẩu cá rô phi chủ yếu của Việt Nam là Mỹ, Tây Ban Nha, Colombia, Hà Lan, Bỉ, Đức…Với tiềm năng về mặt nước phong phú, điều kiện tự nhiên và khí hậu phù hợp để phát triển nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá rô phi, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu cá rô phi chủ lực trong tương lai.
Rô phi đơn tính là loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, có đặc tính nổi trội là ăn tạp, khả năng thâm canh cao, dễ áp dụng cho các hình thức nuôi khác nhau. Việc áp dụng công nghệ nuôi bán thâm canh theo hướng VietGAP đã giải quyết được vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi thủy sản, giảm tỷ lệ cá chết do dịch bệnh, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, làm giảm thời gian nuôi, hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách nuôi truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái và dễ dàng trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nuôi bán thâm canh cá rô phi đơn tính là mô hình mới, tuy nhiên bước đầu đã khẳng định được ưu điểm và hiệu quả vượt trội của nó bởi đặc tính dễ nuôi, có khả năng thâm canh cao, chịu được môi trường ô nhiễm tốt hơn các loại cá khác, tận dụng được các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, thời gian nuôi thả ngắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao….Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá rô phi đơn tính bán thâm canh theo hướng VietGAP. Mô hình được triển khai trên diện tích 9.000 m2 của 2 hộ ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, thả giống đồng loạt ngày 21-4; số lượng giống thả là 18.000 con, cỡ giống 4-6 cm/con, mật độ 2 con/m2. Kết quả, sau 6 tháng nuôi, cá sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống ước đạt trên 70%, trọng lượng trung bình 700 gam/con, sản lượng gần 10 tấn. Tổng doanh thu từ mô hình là gần 390 triệu đồng, sau khi trừ chi phí các chủ hộ thu lãi trên 83 triệu đồng. Hiệu quả từ việc triển khai mô hình nuôi cá rô phi đơn tính là cơ sở để các hộ nông dân trong xã áp dụng, nâng cao cao thu nhập cũng như làm đa dạng các mô hình nuôi trồng trên địa bàn. Tham gia mô hình, các hộ dân đã được hỗ trợ giống, thức ăn. Ngoài ra, còn có các cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn họ sử dụng các chế phẩm sinh học, hóa chất cải thiện môi trường ao nuôi đúng liều lượng và không nằm trong danh mục cấm lưu hành trong nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn cách thức cho ăn, kiểm tra mức tiêu thụ thức ăn để điều chỉnh tránh cá đói, dư thừa thức ăn gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường nuôi; sản xuất thức ăn tự chế, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam, có ghi chép các thành phần và nguồn gốc nguyên liệu làm thức ăn…
Để nhân rộng mô hình nuôi thả cá rô phi đơn tính rộng rãi và đưa đối tượng cá rô phi là một trong đối tượng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong thời gian tới cần thiết lập quy hoạch vùng sản xuất nuôi thả thuỷ sản tập trung, nâng cao kỹ thuật nuôi và áp dụng quy trình nuôi theo hướng bền vững như VietGAP, GlobalGAP. Cần tập trung nghiên cứu thị trường đầu ra mà Việt Nam có lợi thế cho sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh sản phẩm cá rô phí xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phát triển nguồn giống, tạo nguồn cung ổn định. Do vậy, thời gian tới, để từng bước mở rộng diện tích nuôi, góp phần nâng cao tỷ trọng trong cơ cấu thuỷ sản nuôi thả, từng bước tạo ra các vùng chuyên canh cá rô phi đơn tính, nuôi thả tập trung, ngành chức năng, chính quyền địa phương và hộ nông dân cần quan tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Cần có các chính sách hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng như: điện, giao thông, thuỷ lợi để tạo điều kiện cho nuôi thâm canh.