TIN THỦY SẢN

Ninh Hải: Hiệu quả mô hình Tổ cộng đồng nuôi tôm

Hoạt động hiệu quả của Tổ cộng đồng nuôi tôm xã Hộ Hải, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Hồng Lâm

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế trong việc nuôi tôm thẻ chân trắng, các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Ninh Hải đã liên kết thành các tổ cộng đồng nuôi tôm mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Những năm trước đây, người nuôi tôm ở huyện Ninh Hải chủ yếu nuôi theo hướng tự phát, nên việc bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm chung còn nhiều hạn chế, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại kinh tế cho các hộ nuôi. Nhằm khắc phục tình trạng trên, năm 2006, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thí điểm 4 tổ cộng đồng nuôi tôm thuộc các xã ven biển trên địa bàn huyện Ninh Hải. Hình thức hoạt động của tổ nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ khâu chọn giống, biện pháp chăm sóc, phòng chống dịch bệnh...

Từ hoạt động hiệu quả của 4 tổ ban đầu, đến nay trên địa bàn huyện đã phát triển lên 35 tổ, với sự tham gia gần 600 hộ, trên diện tích nuôi hơn 443 ha. Ngoài ra, Chi cục Nuôi trồng thủy sản và các công ty cung cấp giống, thức ăn còn phối hợp tổ chức cho các hộ thành viên tham gia tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi, mùa vụ thả tôm nuôi trong năm, thông tin giá cả thị trường…

Có mặt tại khu vực nuôi tôm ở xã Hộ Hải, chúng tôi ghi nhận niềm vui được mùa của hộ dân nơi đây. Anh Lê Tấn Phong, thôn Hộ Diêm chia sẻ: Tổ cộng đồng nuôi tôm mà tôi tham gia gồm 10 người, với trên 16 ha đìa nuôi tôm liền kề. Để sản xuất hiệu quả, ngay từ đầu vụ thả nuôi, tất cả các thành viên trong tổ cùng ra quân làm vệ sinh đìa, thống nhất chọn một loại con giống, ngày thả hợp lý, trường hợp nếu xảy ra dịch bệnh thì kịp thời thông tin cho nhau để có biện pháp phòng trừ. Nhờ đảm bảo đầy đủ quy trình ở các khâu nên nhiều hộ nuôi tôm được mùa liên tiếp. Ngay như vụ tôm vừa qua với 3,6 sào, năng suất đạt gần 6 tạ/sào, với giá bán 120 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi trên 50 triệu đồng/sào.

Từ sự liên kết, giúp đỡ nhau của các thành viên trong tổ và sự hỗ trợ tích của các ngành chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn phát triển bền vững nghề nuôi tôm trong thời gian qua. Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, năng suất tôm nuôi theo hình thức tổ cộng đồng đạt từ 6-7 tấn/ha, cao hơn từ 1-1,5 tấn/ha so với khu vực nuôi riêng lẻ. Ngoài đảm bảo năng suất, hạn chế dịch bệnh còn tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu đáng kể rủi ro và nâng cao hiệu quả sản xuất cho chính các hộ tham gia.

Để các tổ sản xuất ổn định và đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, theo ông Trần Hữu Nhân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải, ngoài việc quy hoạch lại vùng nuôi tôm tập trung để tạo ra sản phẩm hàng hóa, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào tổ cộng đồng; phối hợp với các ngành chức năng liên quan mở lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật nuôi tôm; hướng dẫn các hộ nuôi tuân thủ các quy trình nuôi mới theo quy định của ngành Nông nghiệp theo hình thức không sử dụng kháng sinh và hạn chế hóa chất, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Qua đó, góp phần đem lại thu nhập cao và nâng tầm thương hiệu tôm thẻ chân trắng trên địa bàn.

Hồng Lâm Báo Ninh Thuận