TIN THỦY SẢN

Nỗ lực xuất khẩu thủy sản

Xuất khẩu thủy sản năm 2013 gặp nhiều khó khăn, trong đó quý I giảm 8% so cùng kỳ. NGUYỄN PHÚ

Trong 3 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt khoảng 1,2 tỉ USD, giảm gần 8% so cùng kỳ năm 2012. Theo Bộ Công thương, xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều khó khăn từ trong nước lẫn ngoài nước. Vì vậy, để đạt chỉ tiêu 6,5 tỉ USD trong năm 2013, các ngành chức năng và doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Lo về dịch bệnh và rào cản kỹ thuật

Mặc dù đã gần giữa tháng 4, nhưng nhiều địa phương ở vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa thể thả giống xong vụ nuôi tôm mới. Ông Võ Văn Chồi, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời điểm này các năm trước đã thả nuôi gần xong vụ tôm. Tuy nhiên, năm nay người nuôi mới thả hơn 100/2.100ha thì phải ngừng lại do ảnh hưởng nắng quá nóng, nhiệt độ cao gây bất lợi cho tôm. Những diện tích thả xong đã xuất hiện dịch bệnh làm tôm chết rải rác khiến người nuôi phập phồng không yên. Ở huyện Trần Đề, vùng nuôi tôm lân cận với huyện Mỹ Xuyên cũng gặp tương tự. Kế hoạch nuôi hơn 4.000ha tôm công nghiệp, tới nay chỉ thả được 600ha, trong đó tỷ lệ tôm chết từ 10-15%. Tại Trà Vinh, đến nay nông dân thả nuôi được gần 14.000ha tôm ở các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành và Trà Cú, dịch bệnh làm chết hơn 800ha. Điều lo ngại là không chỉ tôm sú chết mà tôm thẻ chân trắng cũng bị chết tràn lan. Ở Cà Mau, do thời tiết nắng hạn gay gắt, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng gây khó cho nhiều cánh đồng tôm nuôi. Cùng với 265.000ha tôm nuôi các loại, Cà Mau lên kế hoạch nuôi 6.000ha tôm công nghiệp, tới nay diện tích thả nuôi chưa được 50%, nhưng đã xuất hiện dịch bệnh làm chết nhiều nơi.

Cùng với nỗi lo dịch bệnh thì mới đây, Tổng cục Thanh tra - Kiểm dịch động thực vật và thủy sản Hàn Quốc (QIA), thông báo sẽ tiến hành kiểm tra chỉ tiêu ethoxyquin trong tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam thời hạn 1 năm (từ 1-1 đến 31-12-2013). Như vậy, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ thêm gánh nặng và các doanh nghiệp càng khó hơn. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lo lắng, rào cản ethoxyquin từ Nhật Bản và việc Hoa Kỳ kiện chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam, đến nay chưa giải quyết ổn thỏa thì thị trường Hàn Quốc tiếp tục làm khó. Điều này cho thấy, xuất khẩu tôm gặp thách thức lớn.

Trong khi cá tra cũng đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi giá nguyên liệu trong nước không thể nâng lên được, chỉ 21.000-22.000 đồng/kg (người nuôi lỗ 2.000-3.000 đồng/kg). Giá xuất khẩu sang thị trường châu Âu cũng thấp chỉ 2,5-2,6 USD/kg; giá giảm so với cùng kỳ là 2,8 USD/kg. Ngoài ra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra quyết định cuối cùng tăng mạnh mức thuế chống bán phá giá đối với cá tra phi-lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, đẩy các doanh nghiệp vào cảnh khốn đốn. Hiện Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Công thương, VASEP… nỗ lực giải quyết.

Tái cấu trúc để phát triển

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định, so với năm 2012 thì năm 2013 xuất khẩu thủy sản còn nhiều khó khăn và đối mặt với một số phát sinh mới; đặc biệt là mặt hàng tôm. Lường trước những thách thức nên Bộ Công thương đưa ra 3 kịch bản cho xuất khẩu thủy sản năm 2013. Nếu mọi việc thuận lợi như kinh tế châu Âu và Hoa Kỳ phục hồi tốt, chúng ta giải quyết êm xuôi rào cản về ethoxyquin và ngăn được dịch bệnh trên tôm nuôi… thì xuất khẩu thủy sản 2013 có thể đạt 6,5 tỉ USD, tăng 4,3% so năm 2012. Còn nếu thị trường diễn biến như năm 2012, mặt hàng cá tra không có biến động lớn, mặt hàng hải sản tăng nhẹ… Dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2013 chỉ đạt 6,15 tỉ USD, xấp xỉ năm 2012. Trường hợp không thuận lợi khi khủng hoảng châu Âu diễn biến phức tạp, các vấn đề về tôm không giải quyết được... dự kiến xuất khẩu thủy sản 2013 chỉ đạt 5,6 tỉ USD, giảm 8,7% so năm 2012.

Bộ Công thương lo ngại, hội chứng tôm chết sớm đối với mô hình nuôi công nghiệp trên tôm thẻ và tôm sú sẽ làm giảm mạnh sản lượng tôm nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Đây là bệnh chưa có thuốc trị, gây thiệt hại lớn về sản lượng và chất lượng tôm. Vì vậy, tìm giải pháp khống chế hoặc giảm thiểu tôm chết sớm là vấn đề cấp bách đặt ra. Trong cái khó thì vẫn có thuận lợi là sản lượng tôm toàn cầu năm nay giảm, trong đó Thái Lan giảm về sản lượng và xuất khẩu. Dự báo thị trường châu Á có nhu cầu tiêu thụ tôm tăng, vì vậy các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc, Singapore, Philippines, Đài Loan… Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, tăng xuất khẩu vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng…

Đối với cá tra đang bị đánh mất giá trị thực trên thị trường thế giới do sự cạnh tranh nội bộ của các doanh nghiệp và mất cân đối về quan hệ cung cầu. Cộng với khó khăn khi Hoa Kỳ tăng thuế chống bán phá giá cá tra sẽ tạo ra “làn sóng” dịch chuyển thị trường từ Hoa Kỳ sang các nước khác. Nếu ngành chức năng xử lý không tốt, và thiếu sự gắn kết giữa các doanh nghiệp sẽ dẫn đến việc cạnh tranh, phá giá lẫn nhau. Ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đề nghị, có biện pháp xử lý những doanh nghiệp làm ăn gian dối và lặp lại trật tự trong nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, với điều kiện giá cá nguyên liệu còn thấp, vốn thiếu, thị trường xuất khẩu khó khăn… dự báo sản lượng cá tra năm 2013 sẽ dao động khoảng 800.000-900.000 tấn, giảm so với 1.285.500 tấn của năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2013 dừng lại ở mức khoảng hơn 1,5 tỉ USD, giảm so với 1,74 tỉ USD của năm 2012. Việc giảm sản lượng nuôi và giảm kim ngạch xuất khẩu là cần thiết nhằm “tái cấu trúc” lại ngành cá tra phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ, trả lại giá trị đích thực cho con cá tra. Nên thấy rằng, việc giảm sản lượng cá là điều kiện để nâng giá bán cao lên sẽ thu về lợi nhuận nhiều hơn. Song song đó, giảm xuất khẩu cá tra phi-lê, tăng cường xuất các sản phẩm giá trị gia tăng có giá cao hơn. Năm 2013, cần làm tốt nhiều vấn đề, giải quyết nhanh những khó khăn tồn tại nhằm tạo tiền đề cho năm 2014 tăng tốc, phát triển thủy sản bền vững.

NGUYỄN PHÚ Báo Hậu Giang