TIN THỦY SẢN

Nói không với thuốc ngoài danh mục cho phép

Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh Sóc Trăng đang kiểm tra tại hộ ông Phan Văn Hùng, huyện Trần Đề. Thúy Liễu

Thời gian qua, một số doanh nghiệp phàn nàn về việc người dân sử dụng nhiều loại thuốc ngoài danh mục cho phép trong nuôi tôm làm ảnh hưởng đến chất lượng con tôm và gây khó khăn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh thanh kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở, nhiều hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng đã nói "Không!" với việc sử dụng thuốc, chất kháng sinh ngoài danh mục cho phép ...

"Tại sao không xử lý những người sản xuất, kinh doanh loại thuốc cấm dùng cho con tôm, mà lại cấm người nuôi sử dụng?!", ông Phan Văn Hùng ngụ ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng bức xúc đặt vấn đề với ngành chức năng của địa phương về việc sử dụng thuốc trong nuôi tôm. Ông Chánh nuôi tôm được hơn 20 năm. Vụ này, với 22 ao nuôi, ông thu hoạch khoảng 65 tấn tôm cỡ 60 - 62 con/kg, với giá bán bình quân 110.000 đồng/kg, nên lợi nhuận chỉ khoảng 20%. Ông Chánh bộc bạch: "Qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi có nghe việc cấm dùng thuốc kháng sinh trong nuôi tôm. Là người nuôi tôm lâu năm, có một ít kinh nghiệm, nên tôi không dám dùng thuốc không rõ nguồn gốc, sợ bán tôm không được. Do vậy, tôi chỉ mua thức ăn và thuốc các đại lý có uy tín ở địa phương". Hộ ông Huỳnh Văn Sáu, ngụ cùng ấp Nam Chánh, bức xúc khi một số đại lý bán thức ăn, thuốc thủy sản cho người nuôi chênh lệch từ 30 - 50% giữa tiền mặt và mua nợ. Nếu mua nợ theo mức giá trên, nhiều hộ thu hoạch tính ra hằng tỉ đồng, nên lợi nhuận từ việc nuôi tôm chẳng còn bao nhiêu. Ông Sáu cho biết, cũng nhờ vào tổ hợp tác, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, không sử dụng các chất cấm, nên được doanh nghiệp thu mua tôm giá bán cao hơn bên ngoài 1.000 - 2.000 đồng/kg. Cũng nhờ cách làm này, vụ rồi ông bán 12 tấn tôm lợi nhuận gần 200 triệu đồng.

Hộ nuôi tôm của ông Trần Văn Nhơn, ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, trước đây có sử dụng thuốc Tây trên tôm nuôi. Nhưng từ khi được nhắc nhở, mấy năm nay ông đã không dùng tới. Ông Nhơn cho biết: "Hồi trước, cứ nghĩ thuốc Tây dùng cho người được chắc dùng cho tôm cũng tốt. Nhưng kết quả thì không như mình nghĩ. Khi biết việc dùng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử phạt nặng và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tôi không sử dụng nữa".

Bí quyết nuôi tôm không kháng sinh của bà Đào Thị Ngọc An, ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, là dùng chanh và tỏi để xử lý khi con tôm có vấn đề "sức khỏe". Theo bà An, để nuôi tôm thành công 2 năm nay, bà sử dụng dùng biện pháp sinh học này, chi phí đầu tư giảm đáng kể, ao nuôi luôn sạch, tôm lớn nhanh, năng suất cao, nên lợi nhuận mỗi năm gần 1 tỉ đồng, trên diện tích nuôi 12ha.

Ông Võ Minh Thiên, Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Nhiều năm trước, một số ít người dân có dùng thuốc tây để trị và phòng bệnh cho tôm. Nhưng qua các đợt kiểm tra, tuyên truyền, người dân đã ý thức hơn và hầu như không còn sử dụng nữa. Để việc quản lý, sử dụng hóa chất, thuốc thú y thủy sản có hiệu quả, ngoài việc tổ chức nhiều đợt kiểm tra, nhắc nhở, thu hồi những mẫu thuốc ngoài danh mục, chất cấm và khuyến cáo người dân quy định xử phạt nếu cố tình dùng thuốc ngoài danh mục, đòi hỏi tất cả các bên liên quan phải nâng cao hơn trách nhiệm trong chuỗi sản xuất, đặc biệt là người sản xuất, kinh doanh. Vì chỉ khi nào không còn người sản xuất, người bán, khi đó, chuyện chất cấm mới thật sự chấm dứt trong nuôi tôm và cả sản xuất nông nghiệp.

Thúy Liễu Báo Cần Thơ, 04/10/2016