Nỗi lo an toàn hồ đập trước sức mạnh của thiên nhiên
(Xây dựng) - Hàng năm, chính quyền các địa phương trên cả nước đã quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn cho hàng nghìn hồ đập thủy lợi, thủy điện trước mùa mưa lũ. Tuy nhiên, cứ mỗi năm lũ về, vẫn không tránh khỏi sự cố vỡ đập, rò rỉ đập, điều này vừa gây thiệt hại không nhỏ về người, tài sản và hoa màu; đồng thời, gây nên nỗi sợ hãi, hoang mang của người dân đối với “quả bom nước” trước cơn giận giữ của thiên nhiên. Biết khi nào, nỗi lo ấy mới có thể vơi?
Thiệt hại nặng dù đập lớn hay nhỏ
Hình ảnh mà người dân cả nước không khỏi lo lắng gần đây nhất chính là cơn mưa lớn kéo dài ngày 01/8/2015 đã khiến đập Huổi Củ (khối 1, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) vỡ tung, gây ra lũ quét tại thị trấn Tuần Giáo. Theo thông tin ban đầu, có khoảng 100 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi trận lũ, trong đó nhiều hộ gia đình bị cuốn trôi toàn bộ tài sản, hoa màu, xe máy, xe đạp trôi ngổn ngang trên đường phố.
Sự cố vỡ đập thủy lợi, thủy điện có quy mô lớn nhỏ đã từng xảy ra trước đây tại nhiều tỉnh. Có thể kể như: Nước lớn đã phá vỡ đê phụ của đập thủy lợi Đầm Hà Động (xã Quảng Lợi, Đầm Hà, Quảng Ninh) khiến hơn 100 hộ dân thị trấn Đầm Hà ngập chìm trong biển nước vào 30/10/2014. Đập Khe Mơ (Hà Tĩnh) có trữ lượng gần 1 triệu m3 nước đã bị vỡ vào ngày 16/10/2010 khiến hàng chục héc-ta rau màu vụ đông và cây trồng khác bị hư hỏng.
Vào ngày 01/8/2014, đập thủy điện Ia Krel 2 (thuộc xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) cũng không chống cự được nước lũ và bị vỡ, gây thiệt hại lớn về hoa màu và tài sản của nông dân phía dưới hạ du… Đây chỉ là những ví dụ điển hình về sự cố vỡ đập gây chấn động cả nước trong thời gian qua. Con số này tuy không nhiều, nhưng mỗi lần xảy ra đã để lại thiệt hại không hề nhỏ về người và tài sản.
Nguyên nhân gây nên vỡ đập đã được cơ quan chức năng và cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra đầy đủ. Nhìn chung là do mưa lớn bất thường, lượng nước nhiều vượt quá tính toán; hoặc do chất lượng thi công công trình kém; hay chất lượng đập đã bị xuống cấp theo thời gian…
Quan tâm đến công tác duy tu, bảo trì
Theo số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng đến tháng 7/2014, tổng số lượng hồ chứa đã tích nước có chiều cao đập từ 5m trở lên hoặc có dung tích hồ chứa từ 50.000 m3 trở lên trên cả nước là 6.886 hồ chứa.
Một số địa phương có nhiều công trình thủy điện như Gia Lai: 31 công trình; Lào Cai: 21 công trình, Hà Giang: 21 công trình, Sơn La: 20 công trình,... Một số địa phương có nhiều công trình thủy lợi như Nghệ An: 625 công trình, Thanh Hóa: 610 công trình, Hòa Bình: 515 công trình, Tuyên Quang: 509 công trình, Đăk Lăk: 548 công trình...
Đối với các đập, hồ chứa thủy điện đã tích nước, qua báo cáo của Bộ Công thương và kết quả kiểm tra cho thấy cơ bản các đập thủy điện hiện tại đang vận hành an toàn, ổn định.
Tuy nhiên, ở một số công trình thủy điện vẫn còn tồn tại về chất lượng như hiện tượng sạt trượt mái đào, hiện tượng xói lở hạ lưu tràn, hiện tượng thấm tiềm ẩn rủi ro. Các hiện tượng này ở một số công trình thủy điện đã hoặc đang được chủ đập tổ chức khắc phục.
Đối với các đập, hồ chứa thủy lợi đã tích nước, qua báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy cơ bản các đập, hồ chứa có dung tích trên 10 triệu m3 và các đập, hồ chứa có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên được xây dựng hoặc sửa chữa, nâng cấp sau năm 2000 đang vận hành an toàn. Các hồ chứa còn lại chưa có số liệu thống kê về khả năng chống lũ, hầu hết được xây dựng từ những năm 2000 trở về trước nên khả năng chống lũ còn hạn chế.
Nhiều hồ chứa được xây dựng trước năm 2000 trong điều kiện nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, năng lực các tổ chức thiết kế, thi công hạn chế, công tác duy tu bảo dưỡng chưa được coi trọng, trải qua thời gian dài khai thác bị xuống cấp.
Mùa mưa bão thì đang đến gần, số lượng hồ đập cần phải duy tu, sửa chữa do hư hỏng, xuống cấp tại các địa phương còn khá lớn, đặc biệt là những hồ đập được xây dựng từ những năm 40 - 50 của thế kỷ trước (nhất là các hồ chứa nhỏ).
Do đó, các địa phương, đơn vị quản lý cần tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá cụ thể tất cả các hạng mục công trình để tập trung xử lý hư hỏng, đảm bảo an toàn cho công trình và người dân vùng hạ du.
Đặc biệt là phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa cơ quan các cấp từ tỉnh, huyện, xã đối với công tác đảm bảo an toàn đập để tránh hiểm họa “quả bom nước” lại giáng xuống người dân trước cơn thịnh nộ của thiên tai.
Trong tổng số 6.886 hồ chứa đã tích nước thì số lượng hồ chứa thủy điện là 238 hồ (chiếm 3,5%) phân bố tại 29/63 địa phương trên cả nước; số lượng hồ chứa thủy lợi là 6.648 hồ (chiếm 96,5%, kể cả hồ chứa thủy lợi có công trình thủy điện) phân bố tại 45/63 địa phương trên cả nước.