Nỗi lo "chất cấm" trong tôm xuất khẩu
Trong bốn tháng đầu năm 2015, cả nước đã có 36 lô tôm xuất khẩu bị ba thị trường nhập khẩu chính là Mỹ, EU và Nhật Bản trả về do có chứa chất cấm (hóa chất, kháng sinh), bằng 40% so với con số của cả năm ngoái. Riêng thị trường Mỹ trả về 25 lô, bằng hơn 50% so với cả năm 2014. Ðó là thông tin từ Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Nafiqad).
Chuyện con tôm xuất khẩu của Việt Nam bị đối tác trả về do sử dụng chất cấm vẫn đều đặn diễn ra từ nhiều năm nay và có nguy cơ ngày càng tăng, đang đe dọa đến kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp và người nuôi.
Chỉ xét về kim ngạch, trong ba tháng đầu năm 2015, xuất khẩu sang các thị trường lớn đều giảm mạnh. Ðơn cử, thị trường Mỹ đạt hơn 116,3 triệu USD, giảm 55,8% so với cùng kỳ; EU đạt hơn 108,5 triệu USD, giảm 3,1% và Nhật Bản đạt hơn 103,7 triệu USD, giảm 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân là hiện nay các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm mới chủ động được khoảng 10% nguyên liệu, còn lại phải mua từ các hộ nuôi. Trong khi hầu hết các hộ nuôi có quy mô nhỏ, manh mún, tự phát, không tuân thủ kỹ thuật nuôi, lạm dụng hóa chất dẫn đến ô nhiễm môi trường và dịch bệnh tràn lan.
Những năm gần đây, hội chứng tôm chết sớm (EMS) bùng phát càng khiến người nuôi tăng cường sử dụng kháng sinh để phòng bệnh. Lỗi là do người nuôi nhưng thực tế, một đầm tôm đối với họ là cả cơ nghiệp nên không ai dám nói "không" với kháng sinh khi tôm đổ bệnh.
Tuy nhiên, thị trường thuốc kháng sinh hiện nay gần như bị thả nổi, không được sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, cho nên mạnh ai nấy mua, mua loại nào và số lượng bao nhiêu tùy ý.
Ðể giải quyết tình trạng nêu trên, không có cách nào khác là trị tận gốc bằng cách kiểm soát chất lượng tôm ngay từ khâu thả nuôi ở các hộ dân, bao gồm: giống, thức ăn, hóa chất, kháng sinh. Ðặc biệt, các địa phương cần có quy hoạch cụ thể diện tích nuôi tôm để dễ quản lý, đồng thời hạn chế tình trạng bùng nổ diện tích nuôi dẫn đến ô nhiễm môi trường trầm trọng - một trong những nguyên nhân lớn của dịch bệnh.
Mặt khác, cần tăng cường đội ngũ thú y thủy sản, khuyến cáo và hướng dẫn bà con xử lý dịch bệnh, thay cho việc các hộ nuôi tự ý chẩn bệnh và chữa trị cho tôm như hiện nay.
Về phía doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, nên sớm đầu tư vùng nguyên liệu, hoặc liên kết sản xuất với các hộ nuôi trên cơ sở cung cấp giống và kỹ thuật, kiểm soát chất lượng từ khâu đầu để chủ động nguồn nguyên liệu sạch. Ðồng thời, học tập nghiên cứu áp dụng các mô hình tiên tiến như nuôi tôm sinh thái mật độ thấp, sử dụng thức ăn tự nhiên để hạn chế rủi ro bệnh tật.
Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt gần 4 tỷ USD, chiếm tới 50% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Ðể mặt hàng này tiếp tục là "điểm son" của ngành kinh tế thủy sản trong năm 2015, thì việc kiểm soát và hạn chế đến mức thấp nhất chất cấm trong sản phẩm là điều cần quan tâm nhất hiện nay.