TIN THỦY SẢN

Nỗi lòng của người dân nuôi cá lồng bè Vĩnh Tân

Cá lồng nuôi chết ở Vĩnh Tân Kiều Hằng

Dẫu biết nghề nuôi cá lồng bè vốn bấp bênh, nhất là nuôi ở vùng bãi ngang, rạn đá như xã Vĩnh Tân (Tuy Phong). Nhưng nay, khi phải bất lực nhìn đàn cá nuôi bị chết, phơi bụng trắng trên bè, quả thực không từ gì miêu tả được sự xót xa của hộ nuôi, khi vốn liếng, công cán mấy tháng trời bị tiêu tan, thiệt hại hàng chục triệu đồng...

Xót… lòng

Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi đến thăm một số hộ nuôi cá lồng bè tại xã Vĩnh Tân. Ngay tại bờ biển, với gió cấp 3, từng con sóng dập dìu vỗ vào bờ. Khác với ngày thường, là sự xuất hiện của lác đác những con cá bớp nuôi đã chết trắng bụng, đang trôi dập dềnh theo sóng... Chiếc ghe chòng chành chở chúng tôi ra cách bờ khoảng 1 km là lồng bè của hộ ông Nguyễn Ngọc Lộc (thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân). Đây là một trong số những hộ bị thiệt hại nặng nhất từ đợt cá chết mới đây, với khoảng 1.000 con cá bớp nuôi đến tháng thứ 3, riêng 4.000 con cá mú may mắn còn khỏe mạnh.

Chỉ tay về phía từng chiếc lồng đang “treo” trên mặt nước, ông Lộc buồn bã cho biết, chỉ mới năm ngoái, gia đình thu lợi nhuận được 200 triệu đồng tiền xuất bán cá, nhưng nay thì đã trắng tay. Ông nhẩm tính mỗi con cá giống có giá 25.000 đồng, cộng thêm tiền thức ăn 3 tháng (mỗi ngày khoảng 300.000 đồng) nên thiệt hại rất lớn. Với tâm lý “còn nước còn tát”, con trai ông Lộc là Trần Ngọc Thành đang chăm chỉ rải thức ăn cho số cá còn lại trong lồng bè. Trên tay anh là một bịch cá bớp cỡ hơn 1 lạng đã được ướp đá. Anh Thành cho biết: “Loại cá này khi lớn xuất bán có giá 200.000 đồng/kg, nhưng với số cá chết, mấy hôm nay có người dân trên bờ hỏi mua nên tôi mang vào bán 20.000 đồng/kg”… Cùng hoàn cảnh với ông Lộc là hộ ông Dương Thành Nhơn (khu phố 12, thị trấn Liên Hương) nuôi 6.000 con cá chim và 1.000 con cá bớp, nay cá chim đã bị chết một nửa, cá bớp chỉ còn 100 con...  

Ngành chức năng vào cuộc

Trước tình hình các hộ nuôi cá lồng bè trên biển, khu vực thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân chết bất thường, ông Nguyễn Thanh Sang - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân cho biết: Cá bị chết rải rác từ ngày 18/6 đến ngày 20/6 theo hướng ngày càng nhiều với khoảng 8.000 con, cá giống mới thả khoảng 30 ngày tuổi đến cá có trọng lượng 3-4 kg. Theo đó, đoàn công tác gồm các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND xã Vĩnh Tân đã ra khu vực biển nuôi cá lồng bè đo nhanh, lấy mẫu nước, mẫu cá tại 2 địa điểm để phân tích kết quả, tìm nguyên nhân. Nhưng trong thời gian từ ngày 20 đến 25/6, cá tiếp tục chết 15 bè/13 hộ, tổng số lượng khoảng 52.000 con, chủ yếu cá bớp, ước thiệt hại đến nay mỗi hộ khoảng 60-70%.

Trước những bức xúc của người dân nuôi cá lồng bè về nguyên nhân cá chết hàng loạt những ngày qua, vào chiều 27/6 tại UBND xã Vĩnh Tân, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp & PTNT cùng huyện Tuy Phong đã phối hợp tổ chức cuộc họp, mời các hộ dân nuôi cá lồng bè tại địa phương để công bố kết quả phân tích chất lượng môi trường biển tại xã Vĩnh Tân.

Theo kết quả phân tích mẫu cá lồng bè của ông Dương Thành Nhơn và lồng bè của ông Nguyễn Ngọc Lộc vào ngày 20/6 (do Chi cục Thú y vùng VI phân tích) cho thấy không phát hiện Betanodavirus gây bệnh hoại tử thần kinh và Red Sea Bream iridovirus gây bệnh ở cá trong các mẫu cá đem đi xét nghiệm. Kết quả phân tích mẫu nước biển: Đối với mẫu nước biển cạnh lồng bè ông Nguyễn Ngọc Lộc thì DO=4,72 mg/l, các thông số pH, TSS, tổng sắt, Phosphat nằm trong giới hạn cho phép…Từ kết quả phân tích này, Sở Tài nguyên và Môi trường công bố, chưa đủ cơ sở xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng cá giống bị chết tại khu vực. Chất lượng nước biển cơ bản đạt quy chuẩn phục vụ nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh, chỉ có 2 chỉ tiêu không đạt quy chuẩn nhưng không đáng kể. 

Cần sớm tìm ra nguyên nhân

Sau khi các đơn vị chức năng công bố kết quả, một số hộ dân có mặt tại cuộc họp đã bày tỏ bức xúc trước thiệt hại do cá chết. Ông Trần Tí - một hộ nuôi cá lồng bè đã kiến nghị các ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ dân kinh phí thả giống mới, đồng thời phải tiếp tục tìm ra nguyên nhân cá chết một cách chính xác để bà con biết cách phòng tránh. Người dân cũng mong muốn Nhà nước đồng hành, giúp đỡ bà con về mặt kỹ thuật; kiến nghị chính quyền địa phương có quy hoạch vùng nuôi cá lồng bè để bà con yên tâm sản xuất…

Giải đáp những kiến nghị của người dân, ông Nguyễn Trung Trực - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong đã tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, phản ánh của bà con; mặt khác hứa sẽ cùng người dân giám sát, tiếp tục tìm ra nguyên nhân cá chết. Bên cạnh đó, khuyến cáo bà con hết sức bình tĩnh, không để bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Còn ông Nguyễn Văn Chiến- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo ngư dân thời gian này không nên thả giống mới. Song song, có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác hại cá nuôi lồng bè chết hàng loạt trong mùa nắng nóng. Ông Chiến đề nghị người nuôi phải kiểm dịch cá trước khi thả nuôi; có biện pháp xử lý nhanh khi cá có biểu hiện thiếu ô xy cục bộ do tác động của môi trường, thời tiết… Sở Nông nghiệp & PTNT đang tiến hành thành lập tổ hỗ trợ kỹ thuật, túc trực tại địa bàn trong những ngày tới.

Thiệt hại do cá nuôi lồng bè chết ở Vĩnh Tân thì đã rõ, nhưng nguyên nhân chính xác vì sao cá chết vẫn chưa tìm được lời giải. Chỉ có nỗi lòng chua xót của người dân nuôi cá lồng bè là điều ai cũng dễ dàng cảm nhận ngay lúc này… 

Kiều Hằng Báo Bình Thuận