TIN THỦY SẢN

Nói tóm lại, nuôi tôm công nghệ cao là sao?

Một mô hình nuôi tôm công nghệ cao hoàn chỉnh mang đến hiệu quả sản xuất cao. Ảnh: Tepbac. Nhất Linh

Nuôi thế nào mới đúng là nuôi công nghệ cao? Hiểu đúng để lường trước khó khăn cũng như nắm bắt cơ hội khi chuyển đổi mô hình nuôi tôm mới.

Nuôi tôm công nghệ cao là gì?

Nuôi tôm công nghệ cao là một mô hình giúp quản lý chu trình nuôi ở 3 khía cạnh chính: Hiệu quả quản lý trại nuôi, kiểm soát chỉ tiêu môi trường nước nuôi, quản lý các thiết bị trong ao nuôi.

Đại khái, sử dụng công nghệ thông tin để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước, để ghi nhật ký nuôi tôm, điều khiển thông minh các thiết bị trong ao như máy cho ăn tự động, quạt nước, sục oxy… Từ đó mang lại hiệu quả cuối cùng là tăng năng suất, tăng lợi nhuận, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, vừa tăng lợi ích kinh tế cho riêng người nuôi vừa nâng vị thế của tôm Việt Nam khi xuất khẩu.

Từ nhiều năm trước, một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đã mở hướng đầu tư sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Lúc đó, đây là lĩnh vực hoàn toàn mới được triển khai để kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế từ đó nâng cao hiệu quả và giá trị con tôm nuôi.

Nhận thấy cách nuôi mới có hiệu quả, nhiều hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở một số tỉnh thành phía nam cũng đã chuyển đổi từ các hình thức nuôi cũ sang nuôi tôm theo hướng công nghệ cao nhiều giai đoạn. Với cách nuôi này, người nuôi tôm thu lợi nhuận tăng nhiều lần so với nuôi theo cách truyền thống.


Mô hình nuôi tôm công nghệ cao giúp người nuôi tăng năng suất. Ảnh: Tepbac.

Thực trạng mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiện nay

Hiện nay, mô hình nuôi tôm công nghệ cao thường được phát triển dựa trên cơ sở của nuôi thâm canh, siêu thâm canh sẵn có, đa số là thay đổi phương thức canh tác từ từ và sử dụng một phần thiết bị hiện đại, thường gặp nhất là máy cho ăn tự động, tủ điện tự động… Thực chất đây là chỉ mới là hướng đi ứng dụng công nghệ cao chứ chưa phải là mô hình nuôi tôm công nghệ cao hoàn chỉnh.

Trong các mô hình nuôi tôm công nghệ cao hoàn chỉnh cần dùng phần mềm được cài đặt trên điện thoại, điều khiển bằng wifi hoặc bluetooth để quản lý trại nuôi, tính nhanh số lượng thức ăn, thời gian bật tắt máy cho ăn, thời gian bật tắt quạt,...

Đối với hợp tác xã, các mô hình trình diễn, doanh nghiệp thì mô hình thường được áp dụng theo hình thức khép kín hướng thân thiện môi trường. Trong đó, khu nuôi được bố trí theo hệ thống gồm: Ao ương dưỡng, ao tôm thương phẩm, ao lắng; khu xử lý chất thải được đầu tư hoàn chỉnh để xử lý chất thải triệt để.

Một số mô hình sẽ xử lý nước thải trong ao nuôi, dẫn về hố tách chất thải qua túi lọc lưới, phân tôm có kích thước nhỏ nên lọt qua túi lưới đi vào hệ thống biogas, vỏ tôm sau khi được tách hết nước mặn sẽ dùng nước ngọt rửa, pha loãng và sử dụng làm phân bón, thức ăn cho chăn nuôi. 


Mô hình nuôi tôm công nghệ cao dần trở nên phổ biến. Ảnh: Tepbac

Khó khăn và cơ hội cho nuôi tôm công nghệ cao 

Khi chuyển từ cách nuôi quen thuộc sang bất kỳ cách nuôi mới nào cũng khiến người nuôi cảm thấy khó khăn, mà “công nghệ cao” lại càng thêm xa lạ và mới mẻ. Tâm lý ngại tiếp cận và sử dụng các công nghệ là rào cản đầu tiên cho người nuôi tôm muốn chuyển hướng sang nuôi tôm công nghệ cao.

Tiếp theo là vấn đề tài chính, nhất là cho lần đầu chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh sang nuôi tôm công nghệ cao. Tuy nhiên, mức độ đầu tư còn tùy thuộc quy mô của mô hình, hiện nay có nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao có giá hợp lý cho người nuôi.

Hiện nay, những vùng nuôi tôm lớn đã và đang tăng tốc đầu tư mạnh đồng thời khuyến khích người dân chuyển đổi nuôi tôm thâm canh theo hướng công nghệ cao. Theo đó, ngành chức năng các tỉnh đang có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi khi chuyển đổi mô hình nuôi như giải quyết về vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, liên kết các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn sử dụng công nghệ trong mô hình… nhằm hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận với mô hình mới, để việc nuôi tôm ngày càng dễ dàng và mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho người nuôi.

Nhất Linh