Nông dân cần những mô hình bền vững
Vài năm gần đây, ở nhiều nơi, bà con nông dân đã quên lãng 'việc sản xuất lúa trên đất nuôi tôm'. Trong đó, nguyên nhân chính là do thiếu điều kiện tháo rửa mặn, sự hấp dẫn của con tôm khiến nhiều người quên đi cây lúa; sản xuất lúa gặp khó do nắng hạn, tốn kém chi phí nhưng không hiệu quả, một phần do người dân chỉ chú trọng lợi ích trước mắt từ con tôm mà quên đi lợi ích bền vững lâu dài.
Để rồi, hơn 17 năm sau chuyển dịch sản xuất cho thấy: việc phát triển đi lên các mô hình nuôi công nghiệp cho năng suất cao không phải ai cũng có đủ điều kiện. Các mô hình sản xuất mang tính bền vững trên đồng đất Phú Tân không nhiều. Trong khi nuôi tôm thì không thể làm chơi ăn thiệt như trước đây nữa mà phải có sự tác động của khoa học - kỹ thuật và đòi hỏi phải mang tính bền vững.
Hệ quả của việc sản xuất chỉ chú trọng con tôm mà quên đi việc tạo thảm thực vật tạo sự bền vững theo hướng đa cây, con qua nhiều năm chuyển dịch cơ cấu sản xuất đã thấy rõ. Năng suất nuôi tôm không cao, môi trường ô nhiễm, nắng hạn, tôm chết, … và thiếu những mô hình sản xuất bền vững chống biến đổi khí hậu. Chính vì thế, sau thời gian chạy theo con tôm mà bỏ qua các yếu tố cần thiết khác, nhiều nông dân trong huyện lại có ý tưởng trở về với mô hình sản xuất lúa - tôm. Tuy nhiên, nhiều bà con cũng loay hoay, chưa xác định được hướng đi hiệu quả.
Huyện Phú Tân có 2 khu khép vùng thuỷ lợi thuộc dự án thuỷ lợi tiểu vùng 5 và tiểu vùng 10 Nam Cà Mau. Trong đó, bao gồm một phần các xã như: Phú Tân, Phú Mỹ, Tân Hải thuộc tiểu vùng V; xã Việt Thắng, một phần xã Tân Hưng Tây thuộc tiểu vùng X. Mục tiêu của các khu khép vùng này là hoàn thiện từng bước hệ thống hạ tầng, nhằm chủ động về thuỷ lợi phục vụ sản xuất, chống biến đổi khí hậu. Trong đó, nhiều bà con hy vọng đây là một hướng mở, là điều kiện cho người dân trở lại sản xuất lúa - tôm theo hướng bền vững.
Ông Cao Văn Trung, ấp Kiến Vàng B, xã Việt Thắng, có gần 10 ha đất sản xuất. Từ trước tới nay, ông Trung kiên trì nuôi đa con, trong đó: tôm, cua là chủ yếu theo hình thức quảng canh truyền thống. Tuy nhiên, càng về sau, năng suất càng thấp. Theo ông Trung, nguyên nhân chính là do môi trường ô nhiễm, tôm nuôi thiếu thức ăn tự nhiên. Chính vì vậy, cũng như nhiều bà con ở đây, ông Trung hy vọng sau khi dự án kép kín tiểu vùng này hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ là điều kiện tốt để bà con sản xuất lúa - tôm, đảm bảo tính bền vững.
Kinh nghiệm rút ra cho người dân qua 17 năm chuyển dịch sản xuất là phải xây dựng mô hình sản xuất bền vững, trong đó, tiêu biểu là sản xuất luân canh lúa - tôm kết hợp. Đây là điều đã được định hướng ngay từ những ngày đầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất mà mọi người lại ít quan tâm. Có hộ thực hiện được vài ba vụ rồi thôi, để bây giờ muốn bắt đầu lại từ đầu. Tuy nhiên, việc làm này không dễ, do đất đai nhiễm mặn lâu năm. Người dân cần sự tiếp sức tích cực từ các cấp, các ngành chuyên môn để cùng nhau sản xuất bền vững.
Lại chuyện con tôm, không ít người dân trong huyện Phú Tân chạy theo con tôm công nghiệp mà đốt giai đoạn; đi thẳng từ quảng canh truyền thống lên nuôi công nghiệp, không qua bước đệm là quảng canh cải tiến. Sau thời gian nuôi kém hiệu quả, không ít bà con nhận ra rằng: mình chưa đủ điều kiện về vốn liếng, kỹ thuật, thời gian… cả sự chuyên cần. Không ít người quay lại nuôi tôm quảng canh truyền thống hoặc quảng canh cải tiến.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, ấp Xẻo Đước, xã Phú Mỹ, sau thời gian nuôi tôm công nghiệp cũng đành san lấp đầm, trở về với quảng canh truyền thống kết hợp đa cây, con. Ông Tuấn đưa ra nguyên nhân là nuôi tôm công nghiệp rất cực nhọc, thức khuya, dậy sớm nhưng thất bát hoài, hết vốn, thôi thì trở lại nuôi quảng canh cho khoẻ, ít vốn đầu tư, lại phù hợp với mình.
Rõ ràng, chuyển từ mô hình sản xuất cao sang sản xuất thấp hơn thì không ai khuyến khích, nhưng không còn cách nào khác để bà con làm lại từ đầu theo hướng bền vững.
Giải pháp được nhiều bà con nuôi tôm công nghiệp kém hiệu quả thực hiện hiện nay là chuyển sang nuôi thưa theo hình thức quảng canh cải tiến, nuôi cua, cá… kết hợp trồng hoa màu, cây ăn trái. Nhiều hộ còn có ý định trở lại với sản xuất lúa - tôm nếu có điều kiện. Mặc dù muộn nhưng đây là hướng đi đúng trong điều kiện biến đổi khí hậu, sản xuất khó khăn như hiện nay.