Nông dân ĐBSCL cần bảo hiểm nông nghiệp
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có rất nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế biển với 750 km bờ biển, 360.000 km2 vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế, 7/13 tỉnh, thành phố tiếp giáp với biển. Hằng năm, vùng ĐBSCL cung cấp khoảng 52% sản lượng thủy sản đánh bắt, gần 67% sản lượng nuôi trồng, chiếm 65% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.
“Từ thuở mang gươm đi mở cõi”, vùng này đã được mệnh danh là vựa lúa, vựa cá khổng lồ, với trữ lượng lớn, mật độ dày đặc, nguồn lực thiên nhiên dồi dào. Năm tháng tích tụ đất đai, phù sa, tích tụ nguồn lực, tới ngày nay, vùng đất giàu tiềm lực, tiềm năng này dường như vẫn chỉ dừng lại ở mức tiềm năng, khi khả năng chuyển biến tiềm năng, tiềm lực thành thực lực vẫn còn thiếu, yếu và kéo dài. Gần đây, khi Chính phủ quyết định tiến hành thí điểm triển khai loại hình BHNN như là một công cụ tài chính hiện đại vào vùng thì gần như ngay lập tức, BHNN trở thành một “trụ đỡ” hữu hiệu nhằm chuyển biến tiềm năng của vùng thành khả năng, năng lực phát triển kinh tế - xã hội mới.
Anh Lâm Quang Tiến, người nuôi tôm ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu tỏ ra hoang mang khi từ đầu năm tới giờ, đã qua hơn một vụ nuôi, nhưng cán bộ cho biết vẫn chưa thể triển khai ký HĐBH mới được. Vì vậy, gia đình anh và nhiều gia đình khác ở đây vẫn bỏ trắng ao từ đầu năm tới giờ, không dám thả tiếp vì e ngại rủi ro. Nếu chương trình ngừng lại, toàn vùng nuôi tôm có diện tích 50 ha này về cơ bản sẽ bị “bỏ trắng”. Hoàn cảnh của anh Tiến không phải là cá biệt ở vùng đồng bằng này, mà đã trở thành tình hình chung của người nuôi thủy sản tại năm tỉnh ĐBSCL được Chính phủ chỉ định tham gia thí điểm BHNN.
Tuy còn nhiều khúc mắc nhưng trong vụ nuôi 2013 này, những người tham gia BHNN ở hai tỉnh Bến Tre và Cà Mau có lẽ còn may mắn hơn nhiều người nuôi ở ba tỉnh còn lại là Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, bởi còn tiếp tục được Bảo hiểm Bảo Minh ký HĐBH cho vụ nuôi đầu. Còn hiện giờ, tại cả năm tỉnh tham gia BHNN ở ĐBSCL đã ngừng hoàn toàn việc triển khai ký HĐBH cho người nuôi thủy sản, đặc biệt là địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu - những tỉnh có sản lượng, diện tích nuôi thủy sản lớn nhất cả nước. Như vậy, dù đã bước sang vụ nuôi cuối cùng trong năm nhưng đến nay, toàn vùng ĐBSCL đã ngưng đọng hoàn toàn việc ký HĐBH mới cho đối tượng thủy sản. Ngoại trừ những hợp đồng đã ký tại Cà Mau và Bến Tre, người nuôi thủy sản ở đây lại quay trở lại những năm tháng trước đây, khi chưa được biết đến loại hình BHNN.
Tại Hội nghị tìm giải pháp phát triển kinh tế miền Tây Nam Bộ ngày 5-7 vừa qua tại thành phố Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí đã báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về sự bức xúc của Sóc Trăng nói riêng và của vùng ĐBSCL nói chung về chính sách tín dụng và chính sách bảo hiểm đối với con tôm. Ông Trí khẳng định: BHNN cho con tôm đã thực sự là công cụ tài chính thể hiện rõ tính ưu việt và hiệu quả đối với không chỉ con tôm và con cá tra tại ĐBSCL mà nếu thiếu nó, người nuôi trong vùng sẽ kiên quyết “treo ao”, chuyển hướng nuôi hoặc trồng con, cây khác, hoặc sẽ bỏ ao, chuyển nghề, gây xáo trộn an ninh kinh tế và xã hội toàn vùng. Báo cáo này của tỉnh Sóc Trăng đã nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có liên quan phải bằng mọi cách tiếp tục triển khai việc ký HĐBH mới cho bà con nuôi tôm, kiên quyết không để “đứt quãng, giật cục” khi triển khai Quyết định 315 của Chính phủ về BHNN, đặc biệt là trong khi các điều kiện tiên quyết để tiếp tục triển khai chính sách này đang bị hạn hẹp bởi quy định mùa vụ, thời gian chỉ còn một vài tuần nữa.
Minh họa cho vấn đề này, số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, toàn vùng ĐBSCL đã có tới 9.123 ha nuôi tôm bị dịch bệnh, tăng 26,23% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú bị thiệt hại do hoại tử gan tụy là 2.342 ha, tôm thẻ chân trắng là 1.928 ha. Đối với con cá tra, tỷ lệ thiệt hại do dịch bệnh có xu hướng ngày càng tăng, tỷ lệ hao hụt khá lớn (cá biệt có nơi tỷ lệ này lên tới 20-55%). Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, ngay cả khi con tôm, con cá đã qua chế biến để xuất khẩu thì các mặt hàng này vẫn phải đối mặt với những tranh chấp trên thị trường quốc tế như tăng mức thuế chống bán phá giá, điều tra chống trợ cấp sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh, thị trường Mê-hi-cô tạm ngừng nhập khẩu tôm Việt Nam... Đặc biệt, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nhận định, hoạt động nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của khu vực ĐBSCL tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và biến động giá cả trên thị trường, do đó ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả của người nuôi và chất lượng tín dụng của ngân hàng cho vay. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần sớm tổng kết thí điểm về BHNN và mở rộng mô hình này trong phạm vi cả nước.
Như vậy, việc thực hiện BHNN tại ĐBSCL là một trong những giải pháp tài chính hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và an sinh xã hội của người dân vùng ven biển ở ĐBSCL. Chính vì vậy, nếu BHNN ở ĐBSCL bị ngừng vĩnh viễn thì đây là những “điểm nghẽn” lớn, hạn chế sự phát triển kinh tế biển của vùng. Mà nguy cơ đó đang nhanh chóng chuyển thành hiện hữu, trong khi không chỉ người dân ĐBSCL rất cần được bảo hiểm cho sản xuất nông nghiệp mà các hoạt động kinh tế - xã hội khác cũng cần dựa vào BHNN để triển khai hoạt động như hệ thống tín dụng, ngân hàng.