Nông dân Hưng Yên thu tiền tỷ nhờ nuôi cá lồng
Hàng chục lồng cá chép giòn, cá lăng và cá diêu hồng đem lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng hàng năm cho nông dân Hưng Yên.
Anh Nguyễn Văn Nha, xã Mai Động, huyện Kim Động, Hưng Yên đã làm giàu từ cá lồng. Với giá bán 120-150 nghìn đồng một kg cá chép giòn, 80-100 nghìn đồng một kg cá lăng và 40-45 nghìn đồng một kg diêu hồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, hộ nuôi cá thu lãi hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Anh Nha kể rằng, bản thân sinh ra trong một gia đình còn khó khăn về kinh tế nên từng phải làm đủ mọi thứ nghề để kiếm sống, nuôi bản thân. Anh từng thi đậu Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội với mong ước, sau khi kết thúc 5 năm đại học, anh sẽ tìm được cho mình công việc phù hợp. Thế nhưng, cuộc đời anh lại rẽ sang hướng khác. Anh đi theo con đường lập nghiệp với một công việc ít liên quan đến ngành học và đầy khó khăn.
Duyên nghề nuôi cá lồng đến với anh trong một lần sang Hải Dương chơi, thấy mô hình nuôi cá lồng của một hộ ở huyện Nam Sách cho thu nhập tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau nhiều lần suy tính, anh Nha đánh liều một phen, mạnh dạn xin phép bố mẹ đầu tư vốn, làm 3 lồng nuôi thử cá trên sông Hồng. Nào ngờ, chỉ sau vài tháng chăm sóc, cá lớn nhanh như thổi, ít dịch bệnh, cho thu nhập cao. Từ đó, anh quyết tâm đi theo con đường làm giàu bằng nuôi cá lồng.
Đến nay, anh Nha đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để làm 27 lồng cá, mỗi lồng nuôi được khoảng 3 - 4 tấn cá thương phẩm, đem lại thu nhập hơn tỷ đồng/năm.
Cùng nuôi cá trên sông Hồng giống anh Nguyễn Văn Nha, mô hình sản xuất cá lồng theo chuỗi an toàn từ trang trại đến bàn ăn của Hợp tác xã Thủy sản Hưng Hải, phường Lam Sơn, Hưng Yên do anh Đỗ Ngọc Quyền làm Giám đốc cũng đem lại hiệu quả lớn.
Hợp tác xã Thủy sản Hưng Hải chọn nuôi cá lăng, khi cá đạt trọng lượng từ 3kg trở lên là xuất bán. Theo ước tính, mỗi vụ, Hợp tác xã sẽ xuất ra thị trường 100 tấn. Với giá bán buôn cá lăng từ 60-65 nghìn đồng một kg, bán lẻ 80-100 nghìn đồng một kg, hợp tác xã sẽ thu gần 6 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hải Dương và Hà Nam.
Anh Đỗ Ngọc Quyền cho hay, yếu tố quyết định thành công của nghề nuôi cá là nước sạch. Lợi thế dòng nước lưu thông liên tục còn cung cấp lượng oxi cho cá khi nuôi với mật độ cao. Một lồng cá cho sản lượng bằng một mẫu ao.
Để có được kết quả về nuôi cá lồng trên sông Hồng như anh Nha và Hợp tác xã Hưng Hải cũng có sự đóng góp không nhỏ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên. Sở đã tổ chức nhiều đợt đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi cá lăng và cá chép giòn trong lồng trên sông Hồng tại Hưng Yên". Nhiệm vụ đã thành công trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thâm canh cá chép giòn và cá lăng trong lồng trên sông Hồng đáp ứng được mục tiêu đề ra.
Đồng thời xây dựng được quy trình kỹ thuật nuôi cá chép giòn và cá lăng trong lồng trên sông Hồng phù hợp với điều kiện thâm canh thủy sản của tỉnh Hưng Yên có thể nhân rộng mô hình tại địa phương. Anh Nguyễn Văn Nha chia sẻ: "Lúc mới bắt đầu nuôi cá lăng trên lồng, tôi cũng gặp nhiều khó khăn, có lúc còn bị thiệt hại do thiên tai, bệnh dịch. Song nhờ tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức và học hỏi kinh nghiệm của những người cùng nuôi cá, tôi đã có thêm nhiều kiến thức để chăn nuôi hiệu quả như hiện nay".