Nông dân Khmer làm giàu nhờ nhạy bén thị trường
Nhờ nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, cộng với dám nghĩ, giám làm nên ông Thạch Sơn (dân tộc Khmer), ở ấp Long An A, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, đã chuyển đổi cây trồng sang nuôi cá từ đó đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Đã ngoài 60 tuổi, nhưng ông Thạch Sơn vẫn còn khá nhanh nhẹn, chịu khó học hỏi, nắm bắt thông tin từ báo, đài, bạn bè, đồng thời vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, nên ông Sơn rõ đặc tính thổ nhưỡng ở đây. Gia đình có khoảng 9.000m2 đất, những năm trước, chỉ độc canh cây lúa, nên năng suất không cao.
Cách đây khoảng 5 năm, ông nuôi thử nghiệm cá tai tượng và cá sặc rằn trên diện tích khoảng 200m2 mặt nước. Qua 8 tháng nuôi, trừ chi phí gia đình lời trên 10 triệu đồng. Từ đó, ông dần mở rộng diện tích, đến nay được 6 ao, với khoảng 5.000m2 mặt nước.
Là người đầu tiên của ấp nuôi cá tai tượng và sặc rằn, ông Sơn cho biết: “Sở dĩ, tôi quyết định nuôi hai loại cá này vì thị trường và giá khá ổn. Còn cam, mít, thì không chỉ người dân ở đây mà nhiều địa phương khác cũng trồng, chi phí lại cao, tôi lo vài năm nữa sẽ “dội chợ”.
Qua nhiều năm nuôi cá, theo kinh nghiệm của ông Sơn, nuôi cá ít tốn công chăm sóc, đặc biệt phù hợp với tuổi xế chiều như ông. Để có cá giống, ông tự nuôi cá bố mẹ rồi ép. Theo ông Sơn, nếu không ép cá giống mà mua ngoài thị trường, 6 ao cá tốn trên 10 triệu đồng, một khoản tiền khá lớn.
Thêm nữa, nhằm đỡ tốn chi phí, ông tận dụng những phế, phụ phẩm của gia đình và hàng xóm như: cơm, cháo, bún… đồng thời trồng và mua thêm rau muống, rau lang cho cá ăn. 6 ao cá, trung bình ông cho ăn hơn 100kg rau/ngày, giảm bớt thức ăn công nghiệp.
Thêm nữa, nhằm lấy ngắn nuôi dài, trên bờ ông trồng đu đủ và một số loại cây màu như: ớt, đậu bắp… “Thấy trồng đu đủ và hoa màu vậy, nhưng cho thu nhập vài chục triệu đồng/năm, hỗ trợ rất lớn trong việc chăn nuôi cá và tăng thu nhập gia đình”, ông Sơn cho biết.
Một kinh nghiệm nữa của ông Sơn trong việc nuôi hai loại cá trên, những tháng đầu nuôi, ông cho thức ăn công nghiệp rất ít, nhưng 2 tháng cuối thì thúc, nhằm tăng trọng lượng; 6 ao không thả nuôi đồng loạt mà xê xích nhau từ nửa tháng đến một tháng cho dễ chăm sóc.
Nhờ biết tính toán, mỗi đợt nuôi, trừ chi phí gia đình ông lời trên 200 triệu đồng, góp phần nâng cao cuộc sống gia đình.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn giúp khoảng 10 hộ khác trên địa bàn trong việc nuôi cá và thoát nghèo, khấm khá. Trường hợp của hộ anh Danh Hiền là minh chứng.
Gia đình anh Hiền có trên 2.000m2 đất vườn tạp. Những năm trước, do thiếu kinh phí nên anh chưa dám mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, dẫn đến hộ nghèo trong nhiều năm. Cách đây hơn 2 năm, thấy mô hình nuôi cá tai tượng và sặc rằn của ông Sơn hiệu quả, nên anh bắt chước làm theo. Thấy hoàn cảnh gia đình anh Hiền khó khăn, nên ông Sơn hỗ trợ con giống nuôi trên 1.000m2, đồng thời hướng dẫn cách chăm sóc và tìm đầu ra khi cá xuất bán. Nhờ đó, đợt bán đầu tiên, trừ chi phí gia đình anh lời trên 20 triệu đồng.
Đến nay, không chỉ thoát nghèo, anh còn khá “mát tay” trong việc nuôi hai loại cá trên, nhờ đó đã mở rộng diện tích lên 1.500m2 và thu nhập trên 60 triệu đồng/năm. “Nếu không có chú Sơn giúp đỡ, có lẽ gia đình tôi vẫn còn nghèo. Không chỉ giúp đỡ con giống, chú Sơn còn tận tình trong việc chỉ dẫn cách chăm sóc cá”, anh Hiền cho biết.
Được biết, ông Sơn đang ép cá giống để bán, vì nhu cầu của người chăn nuôi trên địa bàn thị trấn Cái Tắc và nhiều địa phương khác về hai loại cá này khá cao.