TIN THỦY SẢN

Nông dân khổ sở vì nước bỗng dưng nhiễm phèn

Ông Dương Hoàng Lai thả hơn 180.000 con tôm, cua hơn 2 tháng đều chết hết khi bơm nước dưới sông lên. Tiểu Ái

Sông Trẹm là nguồn nước chính phục vụ sản xuất của người dân ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Nhưng những ngày qua, người dân phản ánh tôm nuôi bị thiệt hại hàng loạt do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ khui đập Kênh 18 xổ nước phèn trong rừng vào Sông Trẹm.

“Hàng trăm héc-ta đất làm lúa - tôm của xã Biển Bạch không thể sản xuất được do nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Trần Văn Tuấn trăn trở. 

Khổ sở vì ô nhiễm nguồn nước

Theo ghi nhận, tôm nuôi của người dân sống dọc theo tuyến Sông Trẹm, thuộc 3 ấp: Thanh Tùng, 18, Trương Thoại bị thiệt hại nặng nhất. Ông Dương Hoàng Lai, ấp Thanh Tùng, quả quyết: “Từ khi Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ xả đập Kênh 18, nước Sông Trẹm nhiễm phèn vàng đục, như có lớp mỡ nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Do tôi không nắm được thông tin thời gian khui xả đập, nên khi lấy nước dưới sông lên nuôi tôm, thì tôm, cua chết sạch. Vụ vừa qua gia đình tôi thiệt hại hơn 20 triệu đồng. 4 ha nuôi thuỷ sản giờ phải nằm phơi đầm, không bơm nước được vì nước ngoài sông hiện giờ nhiễm phèn, độ pH thấp, nếu lấy nước vào, tôm cua sẽ tiếp tục chết, giờ chỉ mong chính quyền có cách nào giúp dân”, ông Lai than thở.

Cạnh nhà ông Lai, ông Dương Văn Út cũng chịu cảnh tương tự. Gia đình ông có 1,5 ha đất không thể sản xuất được. Ông Út buồn bã cho biết: “Đầm kể như treo. Mặc dù gia đình tôi đã bỏ công sức, tiền của mua phân thuốc, vôi… cải tạo nhưng không thả giống được, càng thả càng thua lỗ nên đành bỏ không”.

Ông Trịnh Văn Chiến, ở Ấp 18, bức xúc trước tình trạng nguồn nước dưới sông bị ô nhiễm: “Nhiều ngày qua nước dưới sông nhiễm phèn đổi màu vàng đậm. Chỉ trong vài giờ sau khi Công ty Lâm nghiệp khui đập, cá bống dưới sông nổi lờ đờ bất thường rồi chết, một số loài cá khác cũng trong tình trạng như vậy. Thử hỏi chúng tôi có dám bơm nước để cải tạo vuông tôm không? Bà con giờ phải xả cạn nước, phơi đầm, vụ mùa năm nay gia đình coi như thất thu”.

Trưởng ấp Thanh Tùng Lê Thành Văn cho biết: “Như thường lệ, hàng năm từ tháng 7-9 là bên đó khui đập xổ nước rừng. Mọi năm thời điểm này đã có mưa nhiều còn sử dụng tạm. Năm nay nắng nóng kéo dài nên khi Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ khui đập, nước phèn vàng đỏ ngầu, nguồn nước không được pha loãng, bà con không lấy nước sản xuất được. Vì vậy, rất mong cấp có thẩm quyền sớm chỉ đạo đắp đập Kênh 18, cũng như các đập dẫn nguồn nước ô nhiễm phèn, mặn chạy thẳng ra Sông Trẹm hoặc thay đổi lịch. Thay vì trước đây xả liên tục thì giờ ngưng từ 7-10 ngày để bà con bơm nước xong hãy xổ tiếp”. 

Cần có giải pháp khắc phục

Ông Trần Văn Tuấn thông tin: “Cách đây vài ngày xã có nhận đơn phản ánh của người dân về tình trạng Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ gây ô nhiễm, làm cho người dân không lấy nước sản xuất được. Xã đã báo cáo với Phòng NN&PTNT huyện, mong các cấp, ngành sớm khảo sát thực tế, tìm hướng giải quyết để người dân an tâm sản xuất”.

Trao đổi về việc xã có nắm thông báo về việc khui đập xổ nước của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, ông Tuấn cho biết: “Theo thông báo của công ty, thời điểm xổ nước là ngày 20/7/2020, nhưng đến ngày 8/8/2020 mới xả đập, không thông báo trước nên bà con khó khăn trong việc chủ động lấy nước”.

Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ Nguyễn Hữu Phước giải thích: “Trước khi khui đập xổ nước, công ty đã thông báo từ 10-15 ngày để địa phương kịp thời thông báo và chỉ đạo bà con. Nếu trường hợp mưa liên tục, trong giai đoạn đó sẽ xổ nước liền, còn ngược lại mưa ít thì sau đó mới xổ nước và xổ liên tục đến vô vụ phòng cháy chữa cháy rừng mới đắp lại. Chu kỳ năm nào cũng vậy, chứ giờ người dân yêu cầu xổ nửa tháng, nửa tháng đắp lại đâu được. Phải tốn chi phí rồi đưa cơ giới chứ dễ đâu”.

“Phía trong rừng U Minh Hạ hiện tại có 2.500 hộ dân, không lẽ cứ bí đập để ảnh hưởng đến kinh tế của họ. Xổ đập không chỉ tiêu úng xổ phèn mà còn phục vụ giao thông, đi lại vận chuyển hàng hoá. Vấn đề là phải hài hoà giữa cơ cấu mùa vụ bên trong - bên ngoài, đó là quy hoạch vùng U Minh, Thới Bình. Chính quyền địa phương chỉ đạo cơ cấu mùa vụ chấp hành nghiêm chỉnh, mùa mưa làm vụ lúa, mùa khô làm vụ tôm thì đâu có vấn đề gì. Nước trong rừng đổ ra biển Tây, nước ở Biển Bạch là phía U Minh Thượng đổ qua chứ đâu phải của U Minh Hạ”, ông Phước nói thêm

Tiểu Ái Báo Cà Mau