TIN THỦY SẢN

Nông dân miền núi thu gần 100 triệu đồng/năm từ nuôi cá lồng

Cá được chọn nuôi là trắm cỏ,chép và rô phi. Ảnh: Nguyễn Hạnh Nguyễn Hạnh

Tận dụng nguồn nước tràn của thủy điện khe Bố, những hộ dân sinh sống ở ven lòng hồ khe Cớ, bản Định Phong, xã Tam Đình, huyện Tương Dương đã bước đầu thành công trong việc phát triển mô hình nuôi cá lồng.

Năm 2017, 3 hộ dân đầu tiên xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ khe Cớ ở bản Định Phong, xã Tam Đình, huyện Tương Dương là gia đình các anh Ngân Văn Nổi, Vi Văn Puộng và Vi Văn Long.


Mô hình nuôi cá lồng được thử nghiệm từ năm 2017 và cho kết quả khả quan. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Anh Ngân Văn Nổi chia sẻ: “Mô hình nuôi cá lồng của các hộ dân chủ yếu là do gia đình đầu tư, tự nghiên cứu cách làm lồng, mua con giống rồi sau đó chia sẻ cho nhau, qua đó giúp bà con thôn bản phối hợp đầu tư phát triển kinh tế với hy vọng tạo cuộc sống no đủ hơn cho bà con vùng cao”.

Cá được các hộ dân chọn nuôi chủ yếu là trắm cỏ, chép và rô phi. Thức ăn cho cá có nguồn gốc hoàn toàn bằng tự nhiên, chủ yếu là lá sắn, lá chuối, thân chuối và cỏ rừng.


Hai anh Ngân Văn Nổi và Vi Văn Long chăm sóc lồng cá. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Cá giống được chọn là những con khỏe, dễ thích nghi với mặt nước, ít dấu hiệu bệnh tật, đồng đều về kích cỡ.

Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, mỗi hộ đều đã có 4 lồng cá với số lượng cá dao động từ 300 - 500 con. Hiện nay, trọng lượng cá trắm cỏ lớn nhất là 3kg/con, trung bình từ 2 - 2,5kg/con, cá rô phi gần 1kg/con.

Với chất lượng cá tươi sống, thơm ngon, thịt dai bởi nuôi bằng thức ăn tự nhiên, giá cá bán ra hiện nay ít nhất 100.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi năm, một hộ có thu nhập khoảng 80 triệu đồng từ việc nuôi cá lồng. Với đồng bào vùng cao, đây là số tiền không hề nhỏ.

Điều may mắn cho các hộ là cá lồng luôn có đầu ra ổn định, chủ yếu là người dân và thương lái tìm đến tận lồng mua, chủ lồng không phải mang ra chợ bán. 

Theo anh Vi Văn Long: “Kỹ thuật nuôi cá lồng trên lòng hồ khe Cớ khá đơn giản. Mực nước chọn làm lồng phải có độ sâu hơn 3m, chiều sâu của lồng cá phải sâu 3m, đáy lồng không được chạm đáy hồ. Lồng cá đặt nơi có lưu tốc dòng nước chảy chậm và nguồn nước luôn đảm bảo sạch, phải thường xuyên vệ sinh lồng cá để phòng tránh bệnh cho cá. Bên trên lồng phải làm lưới che để đảm bảo cá không bị nhảy ra ngoài. Chi phí bỏ ra đầu tư thấp, thiết kế lồng nuôi tốn ít, vật liệu làm lồng đơn giản chủ yếu là gỗ, nứa tre, thùng phi và lưới dệt không co rút".

Từ hiệu quả ban đầu, trong năm nay, các hộ gia đình sẽ đầu tư thêm cá giống và mở rộng mô hình lớn hơn nữa, với mục đích tạo thêm thu nhập ổn định và đáp ứng được nhu cầu của người dân.


Nuôi cá lồng tốn ít chi phí vì thức ăn chủ yếu từ tự nhiên. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Việc nuôi cá lồng trên sông đang tạo ra hướng đi mới cho bà con bản Đình Phong nói riêng và những người dân miền núi xã Tam Đình, huyện Tương Dương nói chung. Giúp bà con dân bản thoát nghèo, tạo thêm nhu nhập lớn về kinh tế, nâng cao đời sống hàng ngày.

Nguyễn Hạnh Báo Nghệ An