TIN THỦY SẢN

Nông dân Năm Căn chủ động nuôi trồng thủy sản bền vững

Chị Nguyễn Mỹ Châu, ấp Chà Là, xã Lâm Hải thu hoạch cua mỗi ngày vài trăm ngàn, có khi 1-2 triệu đồng. Kim Hậu

Hội nông dân các xã, thị trấn trong huyện Năm Căn đều có những mô hình phát triển riêng. Hiện toàn huyện duy trì hoạt động hiệu quả 27 tổ hợp tác và 3 hợp tác xã, đây là hướng đi bền vững và đem lại kết quả cao.

Điển hình là Tổ hợp tác Đoàn Kết nuôi cua thương phẩm ấp Chà Là, xã Tam Giang, song song với mô hình rừng, tôm để đảm bảo khai thác hiệu quả diện tích đất nuôi thuỷ sản. Hơn 5 năm qua, tổ hoạt động ngày càng hiệu quả và bền vững.

Chị Nguyễn Mỹ Châu, ấp Chà Là, cho biết: "Từ khi vào tổ hợp tác, được các anh chị hỗ trợ vốn, kỹ thuật và chọn con giống nên thu nhập tương đối, mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, có khi 20 triệu đồng. Con cua ít dịch bệnh, thu hoạch quanh năm".

Anh Hồ Hùng Linh, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cua số 4, cho biết thêm, hiện tổ có 6 tổ viên, doanh thu mỗi hộ từ 150-200 triệu đồng/năm. Thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho các tổ viên vay vốn mở rộng tổ hợp tác, nhất là đầu tư con giống, thức ăn dặm để nâng cao năng suất. Với mô hình này, tương lai trong ấp sẽ có nhiều tổ hợp tác mới ra đời, giúp nông dân sản xuất bền vững hơn.

Nếu xã Tam Giang, Tam Giang Đông của huyện Năm Căn thành công với mô hình nuôi tôm, kết hợp nuôi cua thương phẩm, thì mô hình nuôi tôm, cua kết hợp các loại thuỷ sản như sò và tôm tích trong vuông tôm đang tạo ra hướng mở cho người dân sống dưới tán rừng.

Hộ ông Huỳnh Văn Việt, ấp Nà Lớn, xã Lâm Hải cũng như nhiều hộ nông dân ở các ấp ven biển của xã Lâm Hải nuôi sò huyết trong vuông tôm cùng một số loài khác như tôm tích, cá bống mú đem lại năng suất cao và đầu ra ổn định.

Ông Việt cho biết, sau khi được quỹ hỗ trợ nông dân hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình mua sò giống từ những người đi bắt ngoài bãi biển gần nhà, tôm tích thì mua của các ghe lú… Quá trình nuôi thấy nguồn thu nhập khá ổn định, mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, giống địa phương nên ít rủi ro”.


Ông Huỳnh Văn Việt, ấp Nà Lớn, xã Lâm Hải (giữa) thu mua sò giống từ bãi biển chuẩn bị thả vào vuông tôm.

Ông Nguyễn Văn Đông, Phó Ban nhân dân ấp Nà Lớn, xã Lâm Hải, thông tin: "Từ năm 2017 đến nay, con sò gần như là nguồn thu nhập chính của người dân, vừa ổn định về giá, vừa dễ nuôi, phù hợp với vùng đất bãi bồi. Ấp đã thành lập được 2 tổ hợp tác với 16 tổ viên, đang chuẩn bị thành lập thêm vài tổ hợp tác nuôi sò để bà con được hỗ trợ vốn, kỹ thuật".

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm Hải Trần Quốc Lâm cho biết: "Lâm Hải có 11 ấp thì đã có 6 ấp ven biển, nên việc phát động trồng đa cây rất khó, nhất là các ấp giáp ranh với cửa biển. Mấy năm qua tôm thất mùa, cua năng suất không cao do đất bồi lấp. Loay hoay, thí điểm nhiều mô hình mới tìm được mô hình nuôi sò huyết phù hợp với vùng đất. Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với các ngành huyện triển khai nhân rộng cho nhân dân".

Bằng nhiều cách làm và vận dụng sáng tạo, nông dân huyện Năm Căn đã xây dựng được hàng trăm mô hình phát triển kinh tế, có trên 48 lượt nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi và có trên 17.000 nông dân giỏi các cấp được công nhận. Tuy nhiên, thực tế 5 năm qua, dù đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhưng tổ chức hội và người dân vẫn còn nhiều lúng túng trong việc ứng dụng công nghệ sản xuất, vốn phát triển và điều kiện mở rộng hợp tác quảng bá sản phẩm, dẫn đến nông dân còn bị động việc được mùa, mất giá.

Kim Hậu Báo Cà Mau