Nông dân Nam Định làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp
Đến thăm trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả của gia đình chị Trần Thị Thủy ở khu Đồng Lướt, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc), nhiều người không khỏi trầm trồ trước cơ ngơi vợ chồng chị tạo dựng được.
Những ao cá vuông vức, kiên cố với hệ thống máy quạt nước tạo ôxy, khu chuồng trại chăn nuôi được quy hoạch hợp lý, xung quanh bờ ao xanh mướt các loại cây ăn quả, cây cảnh. Vừa ngừng tay cuốc cỏ quanh mấy gốc na Thái mới trồng, anh chị vừa chia sẻ về chặng đường đầy gian nan để có được thành quả ngày hôm nay.
Năm 2005, vợ chồng chị Thủy bắt tay vào xây dựng khu trang trại tổng hợp tại khu Đồng Lướt. Với diện tích 10 nghìn m2 đất ban đầu thuê của xã, hai vợ chồng không quản khó nhọc, đào ao, đắp bờ vùng, một nửa cấy lúa, một nửa nuôi cá. Thời điểm này, ra khu Đồng Lướt lập nghiệp mới có khoảng 5 hộ dân. Cũng như các gia đình khác, vợ chồng chị Thủy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: Thiếu thốn về điện do quá xa trạm điện trung tâm; đường giao thông chỉ toàn là đường đất nhỏ hẹp, những ngày mưa lầy lội, đất bó vào bánh xe đạp không đi nổi. Với sự cần cù, chịu khó, dần dần vợ chồng chị đã ổn định cuộc sống. Khu trang trại cũng ngày càng được quy hoạch khang trang, hoàn thiện hệ thống đường đi lối lại thuận tiện. Những năm 2011, 2012, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất của xã, vợ chồng chị mua thêm đất mở rộng trang trại. Đến nay, ngoài 10 nghìn m2 đất rải rác ở các nơi khác, gia đình chị đã xây dựng được khu trang trại tổng hợp tập trung ở Đồng Lướt với diện tích 23 nghìn m2, trong đó có 9 ao thả cá diện tích 14 nghìn m2, trang trại gà, trang trại lợn, vùng trồng cây ăn quả. Riêng các loại cây ăn quả như mít, nhãn, na, hồng xiêm, chanh..., mỗi loại có trên dưới 100 gốc.
Theo tính toán của vợ chồng chị Thủy, với diện tích ao trung bình khoảng 2.000m2 nuôi cá, mỗi năm đầu tư khoảng 300 triệu đồng tiền giống, thức ăn sẽ thu được 400 triệu đồng. Nhờ chịu khó học hỏi kiến thức, kỹ thuật từ nhiều kênh thông tin và tích lũy kinh nghiệm qua thực tế nhiều năm chăn nuôi, riêng với nuôi cá, anh chị đã từng bước thay đổi, lựa chọn các giống phù hợp hơn để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu những năm 2005-2010 chủ yếu là các loại cá truyền thống, 2010-2014 là cá trắm đen, cá lóc (cá quả) thì từ năm 2014 đến nay, gia đình chị chuyên về trắm đen xen lẫn cá Koi. Anh Trần Văn Quyên, chồng chị Thủy cho biết: “Nuôi cá trắm đen có thuận lợi là dễ chăm sóc, cho ăn đơn giản, chủ yếu là don, ốc và lượng nhỏ cám công nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo cho cá sinh trưởng tốt, đòi hỏi nguồn nước ao phải sạch, có độ sâu từ 1,5-2m. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư xây dựng ao đạt độ sâu cần thiết, cứ sau một lứa nuôi (10-12 tháng), gia đình tôi đều phải dùng chế phẩm vi sinh để xử lý nguồn nước, tránh hiện tượng để cá nổi đầu, dễ bị bệnh”. Với hình thức chăn nuôi, trồng trọt không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, hóa chất độc hại, áp dụng thuốc sinh học trong chăn nuôi để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, trang trại của gia đình chị Thủy đã được nhiều thương lái biết tiếng tìm đến. Trung bình một năm, anh chị thu được 17-18 tấn cá trắm đen với giá bán 100 nghìn đồng/kg, trên 1 tấn cá Koi với giá bán 300 nghìn đồng/kg, cộng với các sản phẩm trồng trọt, sau khi trừ chi phí cho thu nhập vài trăm triệu đồng.
Trang trại của anh chị cũng giúp cho hàng chục lao động tại địa phương. Đồng thời, gia đình chị còn hướng dẫn kinh nghiệm phát triển trang trại cho nhiều hộ khác trong xã đạt hiệu quả. Năm 2017, gia đình chị đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì “Đã có thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” và được nhận Cúp Sao Thần nông cho mùa bội thu của Đài Truyền hình Việt Nam.