Nông dân Tam Kỳ nuôi cá VietGAP
Nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng mà còn tạo ra sản phẩm sạch dễ tiêu thụ trên thị trường.
Tiêu thụ tốt
Có kinh nghiệm nuôi cá nhiều năm nhưng ông Bùi Văn Chính ở thôn Nại Đông, xã Tam Kỳ (Kim Thành) không ngờ nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP lại có nhiều lợi ích như vậy. Có hơn 1 ha nuôi cá rô phi, trắm, chép... trước đây, ông thường nuôi theo kiểu quảng canh nên hiệu quả thấp, cá hay bị chết do dịch bệnh. Năm 2017, ông Chính đăng ký tham gia nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau hơn 1 năm, ông Chính thấy cá chết ít vì kiểm soát được chất lượng nguồn nước, sản lượng cá nuôi đạt 17 tấn/ha/năm, tăng 7 tấn so với trước.
"Cuối năm 2017, giá cá thấp, nhiều hộ nuôi cá không bán được nhưng cá VietGAP của tôi vẫn tiêu thụ tốt, thậm chí không có đủ hàng để bán cho thương lái. Từ đầu năm đến nay, tôi đã bán được 11 tấn cá, lãi hơn 100 triệu đồng", ông Chính vui vẻ cho biết.
Theo ông Hoàng Văn Huệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Liên Trung (xã Tam Kỳ), hiện 16 trong tổng số 33 thành viên của HTX đã nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 23 ha, sản phẩm chủ lực là cá rô phi, cá trắm, chép... Các hộ nuôi cá theo quy trình VietGAP có sản lượng cá tăng rõ rệt do cá được theo dõi chặt chẽ từ con giống đến lượng thức ăn, thuốc phòng bệnh. Năm 2017, HTX đã xuất 940 tấn cá sạch ra thị trường, thu lãi hàng tỷ đồng. "Khu nuôi thủy sản ở xã Tam Kỳ - Đại Đức lấy nước từ sông Lạch Tray, lại gần cửa biển nên nguồn nước ít bị ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho cá phát triển. HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ cá với nhiều bếp ăn tập thể, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch ở Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng... Do giá bán không cao hơn cá nuôi thông thường nên tiêu thụ rất dễ. Dù có rất nhiều đơn vị đến đặt hàng nhưng HTX không dám nhận vì sợ không đủ sản phẩm để cung cấp", ông Huệ nói.
Mở hướng đi mới
Là một trong những tỉnh có diện tích nuôi thủy sản lớn ở khu vực miền Bắc với hơn 11.000 ha nuôi thủy sản và hơn 2.000 lồng bè nuôi cá trên sông, song Hải Dương vẫn chưa phát huy được hết thế mạnh trong nuôi thủy sản. 23 ha nuôi thủy sản ở xã Tam Kỳ hiện là vùng duy nhất của tỉnh nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nuôi cá theo cách truyền thống hiệu quả chưa cao, tỷ lệ cá sống thấp, tốn thức ăn, nhiều dịch bệnh, giá cả bấp bênh, chi phí sản xuất lớn nên sức cạnh tranh yếu. Người dân chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm và nhỏ lẻ, chưa tuân thủ theo quy trình kỹ thuật. Việc nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu làm cho người nuôi thay đổi tư duy về nuôi thủy sản bền vững. Đồng thời, giúp giảm chi phí thức ăn, hóa chất và công lao động; hạn chế dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và tăng tỷ lệ sống của cá. Mô hình còn giúp người nuôi có thị trường tiêu thụ ổn định do sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại Tam Kỳ đã mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản, giúp ổn định khâu tiêu thụ, tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chi cục đang đề nghị tỉnh mở rộng thêm 100 ha nuôi thủy sản theo hướng VietGAP. Mặc dù vậy, việc nhân rộng mô hình này còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn các hộ nuôi nhỏ lẻ, phân tán nên khó áp dụng khoa học, kỹ thuật. Đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ và tập huấn tập huấn nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi.
Cá nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP phải đủ các điều kiện: Ao nuôi nằm trong vùng nuôi thủy sản của địa phương và có hệ thống cấp thoát nước riêng; có nguồn nước nuôi sạch không bị ô nhiễm; rộng từ 3.000-10.000 m2, sâu từ 1,5-2 m, bờ ao chắc chắn, không bị rò rỉ và có hệ thống máy quạt nước. Khu vực ao nuôi phải bảo đảm vệ sinh, tách biệt với khu làm việc và sinh hoạt của người lao động.
Con giống thả phải có nguồn gốc rõ ràng. Sử dụng thức ăn công nghiệp bảo đảm chất lượng theo quy định và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cá. Không dùng thức ăn đã quá hạn, hormon, chất kích thích tăng trưởng trong suốt quá trình nuôi. Tuyệt đối không dùng các loại thuốc ngoài danh mục, lạm dụng kháng sinh để trị bệnh cho cá. Các hộ nuôi có nhật ký để ghi chép các thông tin kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.