TIN THỦY SẢN

Núi lửa phun trào “nghìn năm có một” ở Tonga có thể kéo theo nhiều thảm họa

Ngọn núi lửa phun trào hôm 15/1. Ảnh Getty HỒNG ANH

Tonga có thể đối mặt với nhiều thảm họa môi trường do ảnh hưởng của các vụ phun trào núi lửa.

Sau khi nghiên cứu các hình ảnh vệ tinh và những vụ phun trào núi lửa trong quá khứ, các nhà khoa học cho rằng, vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai dưới đáy biển ở Tonga có thể gây thiệt hại lâu dài cho các rạn san hô, làm xói mòn bờ biển và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân nơi đây.

Nhiều nghiên cứu gần đây về lịch sử địa chất của núi lửa ở Tonga cho thấy vụ phun trào lần này thuộc dạng khá hiếm, với tần suất nghìn năm có một. Nhiều người cho rằng thảm cảnh tồi tệ nhất đã chấm dứt, nhưng không có gì là chắc chắn. Trong tương lai, Tonga có thể đối mặt với nhiều thảm họa môi trường khác do ảnh hưởng của các vụ phun trào núi lửa.

Mưa axit

Kể từ vụ phun trào đầu tiên, núi lửa này đã giải phóng một lượng lớn sulfur dioxide (SO2) nitrogen oxide. Hai chất khí này có thể tạo ra mưa axit khi chúng tương tác với nước và oxy trong khí quyển. Giáo sư Shane Cronin, nhà nghiên cứu về núi lửa tại Đại học Auckland, cho rằng, với điều kiện khí hậu nhiệt đới, nhiều khả năng Tonga sẽ có mưa axit trong thời gian tới.

Mưa axit gây thiệt hại trên diện rộng đối với hoa màu, có thể làm hỏng các nông sản chủ lực của Tonga như khoai môn, ngô, chuối và rau. “Mức độ tổn hại đối với an ninh lương thực sẽ phụ thuộc vào thời gian phun trào của núi lửa”, chuyên gia Cronin nhấn mạnh.


Kể từ vụ phun trào đầu tiên, núi lửa này đã giải phóng một lượng lớn sulfur dioxide (SO2) nitrogen oxide. 

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, cột khói lớn từ vụ phun trào lan rộng về phía Tây, điều đó có nghĩa là Tonga có thể tránh được một phần ảnh hưởng của mưa axit, nhưng Fiji có thể chứng kiến hiện tượng này. Trong một thông báo đưa ra ngày 17/1, văn phòng phụ trách các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết, Fiji đang theo dõi chất lượng không khí, đồng thời khuyến cáo mọi người che các bể nước gia đình và ở trong nhà nếu trời mưa.

Vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Tonga có diện tích gần 700.000km2, lớn hơn 1.000 lần so với diện tích đất liền của nó. Và hầu hết người dân nước này đều sinh sống chủ yếu nhờ vào các nguồn thủy hải sản ở đại dương. Marco Brenna, nhà địa chất học tại Đại học Otago ở New Zealand cho biết, mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa khảo sát trên thực địa, song nhiều bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy dường như có một lớp tro bao phủ toàn bộ hòn đảo. 3 ngày sau thảm họa núi lửa, Tonga vẫn gần như “biệt vô âm tín”.

Trong đại dương, tro bụi của núi lửa có thể gây hại cho sinh vật biển. Vài tuần trước vụ phun trào ngày 15/1, Cơ quan Địa chất Tonga cảnh báo rằng, nước biển ở khu vực xung quanh núi lửa có thể bị ô nhiễm, vì thế, ngư dân nên phòng ngừa nguy cơ “cá ở những khu vực này sẽ bị nhiễm độc”.

Vụ phun trào đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Nước ô nhiễm và tro bụi đang làm giảm nguồn thức ăn của cá, gây ảnh hưởng đến khu vực sinh sản của chúng. Các nhà khoa học cho biết, một số loài cá sẽ bị diệt vong, còn những loài sống sót sẽ buộc phải di cư. Bên cạnh đó, những thay đổi trong cấu trúc dưới đáy biển có thể tạo ra trở ngại với việc lưu thông của tàu thuyền. Hơn nữa, “để khôi phục các ngư trường cần phải mất một thời gian dài”, chuyên gia Brenna lưu ý.

Các rạn san hô bị phá hủy

Tro núi lửa có thể phá hủy các rạn san hô - vốn là một trong những trụ cột chính trong ngành du lịch của Tonga, từng mang lại cho nước này 5 triệu USD thu nhập mỗi năm trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

Ngay cả trước khi có vụ phun trào, các rạn san hô tại Tonga đã bị đe dọa bởi dịch bệnh và biến đổi khí hậu, trong đó có hiện tượng tẩy trắng san hô, lốc xoáy và các loài xâm lấn. Tom Schils, một nhà sinh vật biển tại Đại học Guam cho biết, các rạn san hô ở đảo Hunga Tonga có thể đã bị chôn vùi và thiêu rụi do dung nham núi lửa.

Những vụ phun trào này cũng khiến nước biển bị nhiễm sắt, có thể dẫn tới sự sinh sôi nảy nở của các loài tảo độc và bọt biển, làm suy giảm các rạn san hô. Chuyên gia Brian Zgliczynski, thuộc Viện Hải dương học Scripps cho biết, quá trình khôi phục các rạn san hô có thể mất thời gian dài. “Những loài có khả năng chống chịu tốt hơn trong môi trường nước kém chất lượng sẽ đến trước, còn san hô và cá sẽ phải mất nhiều thời gian để quay trở lại”.


Núi lửa Tonga nổ mạnh gấp 500 lần quả bom nguyên tử tại Hiroshima. Ảnh Maxar

Xói mòn bờ biển

Việc suy giảm các rạn san hô sẽ ảnh hưởng tới khả năng đối phó với triều cường và nước biển dâng của các nước ven biển. Đây là một mối lo ngại lớn của Tonga - nơi đang chứng kiến mực nước biển tăng khoảng 6mm mỗi năm - gấp đôi mức trung bình toàn cầu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Trong một báo cáo vào năm 2015, Tonga cho biết “vùng đệm chống bão tự nhiên” của nước này, trong đó có các rạn san hô, cỏ biển và rừng ngập mặn ven biển đã tạo ra giá trị kinh tế khoảng 11 triệu USD mỗi năm.

Sau vụ phun trào mới nhất, máy đo mực nước biển của Tonga đã ghi nhận có một cơn sóng thần cao 1,19m. Sóng thần được cho là nguyên nhân gây xói mòn bờ biển nhanh chóng. “Các công trình phòng thủ ven biển, đất khai hoang có thể chịu tác động mạnh của sóng thần, khiến quốc đảo dễ bị tổn thương hơn”, ông Cronin cho biết.

HỒNG ANH VOV