TIN THỦY SẢN

Nước mắm Phú Thuận cần "cái tên"

Sản xuất mắm ở Phú Vang giải quyết hàng trăm lao động nông thôn DUY PHIÊN

Xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, TT- Huế) không chỉ là địa phương có nghề khai thác biển phát triển, mà còn được biết đến với nghề chế biến mắm và làm nước mắm nổi tiếng.

Tuy nhiên, trong hàng trăm cơ sở sản xuất lớn nhỏ thì đến nay chỉ có 4 cơ sở chế biến nước mắm đăng ký nhãn hiệu. Điều này khiến nhiều cơ sở chế biến nước mắm ở đây gặp không ít khó khăn về đầu ra.

Nghề truyền thống

Phú Thuận là một xã vùng biển và đầm phá, có gần 5,5 km chiều dài dọc phá Tam Giang – Cầu Hai, với tổng diện tích mặt nước gần 410 ha, thuận lợi cho việc khai thác và chế biến thủy sản.

Hiện trên địa bàn xã có 3 liên đoàn đánh cá với 56 tàu đánh bắt xa bờ, 2 chi hội nghề cá với sản lượng hằng năm chiếm khoảng 50% tổng sản lượng toàn huyện Phú Vang và 30% tổng sản lượng của toàn tỉnh TT- Huế.

Nghề chế biến thủy sản cũng được xem là một trong những thế mạnh của địa phương. Toàn xã có khoảng 300 hộ dân chuyên làm nghề chế biến mắm, và nước mắm các loại, trong đó có khoảng 100 hộ sản xuất với quy mô lớn. Trung bình mỗi năm sản xuất hơn 2,5 triệu lít nước mắm.

Riêng 6 tháng đầu năm 2013, người dân ở địa phương sản xuất gần 2 triệu lít nước mắm các loại. Thương hiệu nước mắm Phú Thuận vốn rất nổi tiếng, không những trong nước mà còn có mặt ở một số nước trên thế giới như Thái Lan, Philipinnes, Capuchia… 4 cơ sở đăng ký nhãn hiệu đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân đầu người 30 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Thanh Tấn (thôn An Dương, xã Phú Thuận), chủ một cơ sở nước mắm ở đây cho biết: “Bình quân mỗi năm cơ sở tui đầu tư trên dưới khoảng 100 lu mắm, một lu mắm lãi chừng 4-5 triệu đồng. Bình quân, cơ sở mắm của tui giải quyết khoảng 5-7 lao động, nhưng đến đầu mùa thu mua cá, thì phải có vài chục lao động mới làm xuể việc. Nghề làm mắm không chỉ tạo việc làm khá ổn định cho bà con ngư dân mà còn làm giàu cho nhiều hộ gia đình”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Dân, Phó chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết: “Địa phương Phú Thuận chủ yếu làm nghề đi biển và chế biến mắm. Riêng làng An Dương, có hơn 90% hộ dân làm nước mắm, trong đó có khoảng 100 cơ sở chế biến quy mô lớn. Việc phát triển ngành nghề chế biến mắm và nước mắm đã góp phần tăng thu nhập cho người dân bên cạnh kinh tế biển”.

Cơ sở sản xuất nước mắm ruốc Thành Vân của bà Nguyễn Thị Vân là một trong những cơ sở sản xuất lớn ở thôn An Dương, xã Phú Thuận. Bà Vân cho biết, trước đây, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra gặp khó khăn trong tiêu thụ. Trước thực trạng đó, bà đã tham gia học các lớp tập huấn về VSATTP, mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường.

Từ năm 2003, cơ sở của bà được Sở Công thương TT- Huế hỗ trợ tiền lãi vay ngân hàng 170 triệu đồng, bà đầu tư thêm 70 triệu đồng, để xây dựng cơ sở chế biến nước mắm trên tổng diện tích 500m2. Ban đầu, chưa tìm kiếm được thị trường nên chỉ sản xuất cầm chừng 1 ngàn lít/năm. Chỉ sau một thời gian ngắn, nước mắm Thành Vân đã được nhiều khách hàng biết đến.

Hiện cơ sở sản xuất bình quân hơn 10 ngàn lít nước mắm/năm.

Quản ký không theo kịp phát triển

Việc đăng ký nhãn mác và tuân thủ các quy định về VSATTP đã giúp nhiều cơ sở nước mắm ở Phú Thuận thuận lợi hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Song đến nay, trong số hàng trăm cơ sở sản xuất mắm và nước mắm ở đây thì chỉ có 4 cơ sở đăng ký nhãn hiệu.

Bà con sản xuất theo dây chuyền truyền thống, tự phát, chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm, nhỏ lẻ, vốn ít, kỹ thuật còn hạn chế và chưa được đào tạo qua trường lớp nên vẫn gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Tấn, chủ một cơ sở sản xuất nước mắm thôn An Dương cho biết: “Việc đăng ký nhãn hiệu đối với bà con sản xuất tại làng nghề khá khó khăn bởi từ trước đến nay, cơ sở của tui cũng như nhiều hộ dân khác đều “quen” với việc sản xuất quy mô hộ gia đình, tự phát nên để đăng ký nhãn mác, thương hiệu, cần có sự hỗ trợ nguồn vốn, tư vấn của các ngành chuyên môn”.

Cùng trăn trở với người dân, ông Nguyễn Quang Dân, Phó chủ tịch UBND xã Phú Thuận thừa nhận: “Thực hiện chủ trương xây dựng NTM, giai đoạn năm 2012-2015, UBND xã Phú Thuận quy hoạch làng nghề chế biến nước mắm tập trung trên diện tích 2 ha, ở làng Phú Mỹ, thôn An Dương. Thời gian qua, cán bộ địa chính của UBND xã Phú Thuận đã tiến hành đo đạc, nhưng do chưa có kinh phí nên việc quy hoạch chi tiết làng nghề chế biến nước mắm vẫn chưa thực hiện được”.

Ông Dân cho biết thêm, hiện tại ở Phú Thuận các cơ sở hình thành ngày một nhiều, trong khi mặt bằng xản xuất chủ yếu là nhà dân, diện tích nhỏ hẹp nên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ lân cận. Vì vậy, để giúp bà con chuyển đổi từ sản xuất truyền thống, khép kín sang quy trình sản xuất có áp dụng các tiến bộ KHKT nhằm đáp ứng nhu cầu cạnh tranh ngày càng khắt khe của thị trường, thiết nghĩ cần có sự chung sức, vào cuộc của các ban ngành hữu quan.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh TT- Huế có hơn 400 cơ sở chế biến mắm và nước mắm phân bố ở các địa phương như Phú Vang, Phong Điền, Phú Lộc…, nhưng do nhiều cơ sở có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tự phát nên đến nay chỉ có hơn 120 có sở được cấp giấy chứng nhận VSATTP và xây dựng nhãn mác.

DUY PHIÊN Báo Nông Nghiệp Việt Nam