TIN THỦY SẢN

Nước mắt làng bè

Các bè cá của người dân trong vụ sạt lở nằm chỏng chơ tan hoang ở bờ sông. văn vĩnh

Vụ sạt lở bờ sông tại ấp An Long (xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) vào tối ngày 29/10/2012, đã khiến hàng trăm tấn cá điêu hồng của người dân trôi theo dòng nước, gây thiệt hại gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã gần 5 tháng trôi qua nhưng ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa có kết luận nào được đưa ra.

Ông Lê Việt Hùng - Phó Chủ tịch xã An Bình cho biết, vụ sạt lở đã khiến 4 ao cá (khoảng 2,7ha) và 24 bè cá của người dân trôi sông, gây thiệt hại gần 5 tỷ đồng. Tại thời điểm xảy ra vụ sạt lở, ngành chức năng đã lập biên bản vi phạm đối với 3 xáng cạp khai thác cát không đúng quy định.

Chiều 20/3, chúng tôi trở lại hiện trường vụ sạt lở bờ sông tại ấp An Long, một cảnh tượng tan hoang, những ao cá của người dân bây giờ đã nằm chìm sâu dưới mặt nước. Các bè cá thì nằm chỏng chơ ở bờ sông. Cách đó không xa, 3 chiếc xáng cạp khai thác cát không đúng quy định đang bị tạm giữ nhưng không có lực lượng chức năng canh giữ. Thay vào đó, người dân phải túc trực ngày đêm và đã nhiều lần phát hiện ngăn chặn việc di dời của các xáng cạp vi phạm rời khỏi vị trí ban đầu.

Ngày nào cũng vậy, gần 5 tháng qua bà Nguyễn Thị Thu (59 tuổi) cũng ngồi thẫn thờ nhìn các bè cá nằm trơ khung trên mặt nước. Bao nhiêu công sức gầy dựng của gia đình hàng chục năm trời, chỉ trong phút chốc đã mất sạch. Vụ sạt lở khiến 6 bè cá của bà Thu, trị giá trên 800 triệu đồng trôi theo. Cùng bị thiệt hại, còn có 3 người con và một người cháu nữa của bà Thu, với tổng thiệt hại của gia đình là gần 4 tỷ đồng. “Khổ lắm chú à. Gia đình làm tằn tiện gần 10 năm trời, mới tích góp và vay mượn thêm gầy dựng được mấy bè cá làm kế sinh nhai nhưng chỉ một đêm đã mất sạch”, bà Thu nức nở.

Trong số những người con của bà Thu, anh Đỗ Thành Đức (35 tuổi) là người bị thiệt hại nặng nhất với 8 bè cá đã đến ngày thu hoạch, trị giá hơn 1 tỷ đồng. Anh vẫn còn nhớ như in cái ngày xảy ra sạt lở: “Lúc đó khoảng 8h, tôi vừa tắt đèn đi ngủ thì nghe những tiếng ầm ầm. Cả một đoạn đê bao chân rộng khoảng 20m, dài hơn 200m liên tục đổ ập xuống sông. Bao nhiêu trụ nọc chúng tôi cắm sâu xuống lòng đất trên bờ đê đều bị nhổ gốc, lồng bè bị trôi dạt, nhấn chìm. 8 bè của tôi bị hư hại hoàn toàn, mất trắng. Tôi hẹn lái sáng 30 bắt cá thì tối 29 đã tiêu tan hết rồi. Bao nhiêu vốn liếng tôi bán hết đất vườn, làm lụng, tích góp suốt bảy năm trời đầu tư nuôi cá nay không còn gì nữa”.

Theo người dân, trước khi xảy ra sạt lở, suốt mấy tháng liền, tình trạng khai thác cát ở khu vực này diễn ra suốt ngày đêm. “Mỗi lần họ quăng gào xuống đáy sông lấy cát là động cả một vùng sóng nước, cá trong bè rộ mé trồi lên mặt nước. Chiều tối trước khi sạt lở xảy ra thì ba chiếc xáng khai thác cát đã tiến sát vào bờ, chỉ cách khu vực lồng bè chừng 60m. Sợ họ lấy cát gần bờ quá sẽ làm động cá sợ và gây sạt lở, chúng tôi đã ngăn cản nhưng họ vẫn cứ làm. Chẳng bao lâu sau thì sạt lở xảy ra”, anh Đức nói.

Tại buổi làm việc với PV Báo CAND mới đây, ông Nguyễn Hoàng Học – Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Hiện vẫn chưa có nguyên nhân chính thức về vụ sạt lở. Ngay sau khi xảy ra sự cố, ngành chức năng có hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại với số tiền 6 triệu đồng/hộ”. Ông Học cũng không đưa ra lý giải gì thêm về việc chậm có kết quả nguyên nhân của vụ sạt lở.

Trong một diễn biến khác, ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở bờ sông tại ấp An Long, UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các cơ quan chức năng phải điều tra, kết luận nguyên nhân sạt lở trong 45 ngày. Thế nhưng, đến nay đã gần 5 tháng trôi qua vẫn chưa có kết luận nào được đưa ra. Trong khi đó, những người dân bị thiệt hại “tiền tỷ” phải đi làm thuê, kiếm từng đồng bạc lẻ tự xoay xở cuộc sống. Còn món nợ hàng trăm triệu đồng tiền vay ngân hàng, tiền thức ăn nuôi cá vẫn cứ “treo lơ lửng” trên đầu…

“Điều mà bà con mong muốn là khi có kết quả, trắng đen phân định, chúng tôi được bồi thường để có vốn tái sản xuất và trả nợ ngân hàng. Nhưng chờ mấy tháng nay cũng vẫn chưa có kết quả gì”, bà Thu bức xúc nói

văn vĩnh CAND