TIN THỦY SẢN

Nuôi ba ba kết hợp con đặc sản

Một góc trang trại của anh Hiển Hân Minh

Chỉ với 4 sào làm trang trại, gia đình anh Phạm Năng Hiển ở thôn Trúc Bạch (xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ “chiến lược” sản xuất đúng đắn.

Đó là: Hướng vào những giống vật nuôi mới, chất lượng cao và phù hợp nhu cầu thị trường.

Trên nuôi ba ba…

Anh Hiển có 1.000m2 ao thả ba ba, một góc ao quây lưới để nuôi vịt trời và một số loài chim nước. Một góc khác, phía trên mặt ao, anh làm chuồng nuôi gà sao và chim trĩ để tiết kiệm diện tích. Ao thả kín bèo tây vì “ba ba ưa nước nông, ao nhà tôi duy trì mực nước từ 0,8 - 1m nên cần có lớp bèo tây giúp ba ba mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Hơn nữa bèo góp phần làm sạch nước ao khi chuồng nuôi phía trên thải xuống”, anh Hiển giải thích.

Mỗi năm trang trại xuất 200 - 300kg ba ba thương phẩm, 3.000 con giống. Hiện anh Hiển duy trì đàn bố mẹ hàng trăm con với tỷ lệ đực/cái là 1:3. Ba ba cái 2 năm tuổi bắt đầu đẻ, mỗi năm được 30 trứng. Chúng chỉ đẻ 2 lần vào mùa nóng, từ tháng 4 đến tháng 6.

Anh Hiển cho biết: “Ba ba đẻ trứng ban đêm, đến chiều hôm sau thì tôi bới ra lấy trứng. Phải chú ý tư thế quả trứng nằm như thế nào thì khi đặt vào máy ấp phải đúng như thế mới được. Ví dụ lúc thu trứng thấy mặt trên quả trứng có chấm trắng thì khi đặt vào khay ấp cũng phải xoay sao cho chấm trắng lên phía trên. Trứng ấp 60 - 70 ngày thì nở. Mỗi con ba ba giống tôi bán 15 - 20 nghìn đồng”.


Anh Hiển nuôi thử nghiệm một số giống mới

Lứa cuối trong năm, ba ba đẻ vào tháng 6 thì trang trại không cho ấp vì theo anh Hiển, “trứng ấp từ tháng 6 đến tháng 8 nở, khi đó bắt đầu có gió heo may, mà ba ba gặp heo may sẽ ăn ít đi. Con mới nở còn non nớt, ăn ít, lại gặp lạnh nữa sẽ yếu dần rồi chết”. Anh luôn tư vấn người mua ba ba giống không nên bắt đầu thả nuôi vào mùa thu.

Ba ba thịt nuôi 2 năm được 1kg là có thể bán được, nhưng trại anh Hiển nuôi 3 năm, khi ba ba đạt 1,3 - 1,5kg/con mới bán vì từ mức trọng lượng đó, ba ba có giá cao hơn hẳn.

Chuyện ăn uống, ba ba cũng dễ tính. Cơm, cám ngô/thóc, ốc bươu vàng, cá vụn, bèo tây, rau xanh... chúng ăn cả. “Chúng lên ăn như đàn vịt, cứ 1 tạ ba ba ăn khoảng 3kg cá hoặc ốc một bữa. Một ngày cho chúng ăn 1 bữa hoặc vài ngày 1 bữa cũng được. Nếu nuôi cá thì lúc nào cũng nơm nớp lo cá bệnh, còn ba ba quanh năm không bệnh tật gì. Chỉ có điều, trong khi ba ba nuôi ở miền Nam ăn quanh năm, lớn nhanh thì ba ba ở miền Bắc không ăn trong suốt mùa đông lạnh, dài 3 tháng, thậm chí 4 tháng. Trong thời gian ấy, chúng ngừng lớn”, anh Hiển nói.

…Dưới nuôi gia cầm, thủy cầm đặc sản

Theo ông chủ trang trại này, vì nuôi ba ba rất nhàn rỗi và lâu được thu hoạch (3 năm) nên phải kết hợp nuôi nhiều loại con khác để tận dụng thời gian. Để lấy ngắn nuôi dài, anh Hiển nuôi chim trĩ, vịt trời, gà sao vì thời gian nuôi những giống này ngắn, chỉ 3 - 4 tháng/lứa.


Anh Hiển kiểm tra chuồng chim trĩ

Với máy ấp trứng tự chế, trang trại cũng tự sản xuất giống các loại vật nuôi này, vừa duy trì đàn, vừa bán con giống. Ban đầu, anh Hiển đầu tư 10 triệu đồng mua 100 con chim trĩ, sau vài năm, anh đã có 2.000 con. Nuôi khoảng 4 tháng có thể xuất chuồng, giá 500 nghìn đồng/cặp trống mái (khoảng 2,6kg/2 con).

Đàn vịt trời của trang trại có khoảng 300 con. Anh bán cho các nhà hàng 150 nghìn đồng/con. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi vịt trời, anh cho biết, khi vịt còn nhỏ, phải ngăn riêng mỗi ô 50 con để tránh trường hợp khi trời lạnh, vịt dồn thành đống thì những con trong cùng sẽ bị chết ngạt. Cứ 3 tháng trở đi thì cắt cánh để vịt khỏi bay, đồng thời cũng giúp khách hàng không phải lo giữ vịt. Ngoài ra, trang trại còn nuôi đàn gà sao 200 con, cứ 4 tháng lại xuất bán một lứa. Hiện anh Hiển bán 500 nghìn đồng/cặp (khoảng 1,6kg/con).

Cả chim trĩ, gà sao, vịt trời đều ăn cám ngô trộn bèo tây, rau xanh, trong đó rau, bèo có thể chiếm 50 - 60% khẩu phần để giảm chi phí. Vịt trời thì không cần chuồng trại cẩn thận, vịt dính mưa cũng không sao, còn chim trĩ và gà sao cần quây nhốt kín để chúng không bay mất.

Trang trại còn đang nuôi thử nghiệm một số loài chim nước khác và ngỗng trời. Nếu kết quả tốt, sẽ mở rộng quy mô nuôi. Chủ trang trại chia sẻ kinh nghiệm: “Khi nuôi những loài đặc sản với quy mô hộ gia đình, số lượng đàn tương đối nhỏ thì điều quan trọng nhất là phải có liên kết trong sản xuất để có đủ số lượng cung cấp đều đặn cho khách hàng lớn như những nhà hàng, siêu thị… Tôi thường kết hợp với 3 - 4 hộ nữa cùng nuôi những giống này, nếu nhà này hết hàng thì những nhà kia sẽ cung cấp”.

Cũng theo anh Hiển, hướng chăn nuôi này cần nhiều vốn do giá con giống cao nhưng so với nuôi những giống thông thường thì lợi nhuận gấp nhiều lần.

Hân Minh Nông Nghiệp Việt Nam, 20/05/2016