Nuôi biển - Tiềm năng còn “ngủ quên”
Với lợi thế có bờ biển dài, Việt Nam là đất nước có tiềm năng phát triển nghề nuôi biển. Tuy nhiên, hiện nay lợi thế này vẫn chưa được phát triển như kỳ vọng.
Thực tế nuôi biển ở Việt Nam mới chiếm khoảng 14% so với tiềm năng và chiếm khoảng 25% so với mục tiêu Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, có thể thấy tiềm năng phát triển ngành nghề này rất rộng mở, nhưng vẫn còn bị “ngủ quên”.
Không chỉ có tiềm năng về mặt nước, Việt Nam còn có thể nuôi nhiều đối tượng với nhóm nhuyễn thể là ngao, sò, hàu, vẹm xanh, tu hài, bào ngư, trai ngọc, ốc hương..; nhóm cá biển như cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá ngừ, cá măng biển…; nhóm giáp xác như tôm hùm, cua, ghẹ...; các loại rong biển.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, nếu Việt Nam phát triển nuôi được 50% tiềm năng đã là lợi thế rất lớn so với nhiều nước. Tuy nhiên hiện nay, lĩnh vực nuôi biển của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Việt Nam chưa có nuôi xa bờ, chủ yếu nuôi ở vùng eo kín. Hiện mới chỉ có 27 cơ sở với 137 lồng bè đang nuôi xa cách 6 hải lý.
Trong khi đó, các nước phát triển như Na Uy và một số quốc gia đã có ngành công nghiệp nuôi biển khác nuôi theo hình thức công nghiệp, chuyên sâu với chuỗi từ khâu giống, thức ăn, chăm sóc, nuôi, khai thác, sơ chế, chế biến… đi cùng trình độ công nghệ cao.
Cũng chính vì tiềm năng chưa được chú ý nên hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nuôi biển, nhất là nuôi biển công nghiệp còn chưa được đầu tư. Nuôi biển còn mang tính tự phát, nuôi ven bờ, thiếu quy hoạch, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Công nghệ nuôi, hệ thống lồng bè, công nghệ phụ trợ cho nuôi biển phù hợp với thời tiết Việt Nam chưa phát triển, nhất là phục vụ nuôi ở các vùng biển xa…
Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, phát triển nuôi trồng thủy sản thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở; tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Theo đó là đề án đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, diện tích nuôi đạt 280.000 ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3; sản lượng nuôi đạt 850.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 0,8 - 1 tỷ USD.
Đến năm 2030 có diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 12,0 triệu m3; sản lượng nuôi đạt 1.450.000 tấn và xuất khẩu đạt từ 1,8 - 2 tỷ USD. Cùng với đó là tầm nhìn đến năm 2045, nước ta sẽ có ngành công nghiệp nuôi biển đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.
Hiện nay, Khánh Hòa là địa phương đi có nghề nuôi biển khá phát triển so với nhiều địa phương trên cả nước. Địa phương sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ bà con, mục tiêu từ nay đến 2030 chuyển đổi 100% nuôi biển từ lồng truyền thống sang lồng hoàn toàn bằng nhựa HDPE (lồng HDPE).
Với mục tiêu này, tỉnh cũng định hướng khai thác thế mạnh của hệ thống lồng nuôi HDPE để nuôi biển ở các vùng biển hở mà lồng truyền thống không đáp ứng được. Hệ thống lồng HDPE được điều chỉnh kích thước nhỏ hơn để phù hợp hơn với nhu cầu nông hộ, ứng dụng được hình thức canh tác bán cơ khí.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng đồng hành với các doanh nghiệp để Việt Nam có được ngành nuôi biển với quy mô công nghiệp và công nghệ cao, tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng và nhu cầu hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi biển làm cơ sở đầu tư sản xuất.
Trước mắt, cùng các địa phương tập trung điều tra, lập báo cáo khả thi lựa chọn địa điểm các dự án đầu tư thí điểm tại Quảng Ninh, Phú Yên, Ninh Thuận và Kiên Giang. Việc đẩy mạnh nghề nuôi biển sẽ giúp giảm áp lực khai thác, chuyển đổi nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và nguồn lợi hiện có, góp phần vào phát triển thủy sản bền vững.