Nuôi cá cảnh – Hái tiền từ đam mê (Phần 1)
Bài viết này phù hợp cho những ai đang muốn bắt đầu kinh doanh cùng nghề cá cảnh bằng tình yêu nghề cá và đam mê cá đẹp.
Nhiều người nghĩ rằng việc nuôi cá để làm thực phẩm sẽ có lợi hơn là chọn nuôi cá cảnh. Tuy nhiên, cá cảnh lại là lựa chọn phổ biến thứ ba trong việc chọn nuôi thú cưng của nhiều người, và người ta sẵn sàng chi tiền cho việc sở hữu một con cá đẹp. Điều này có nghĩa là có rất nhiều tiềm năng kinh doanh khi bạn quyết định chọn nuôi cá, hay chọn cá cảnh làm đối tượng khởi nghiệp. Ngoài lợi ích về kinh tế, thì đây là một số lý do và những hiểu biết cơ bản để bạn có thể bắt đầu cho niềm đam mê cá cảnh và trở thành “ông chủ” trại cá của riêng mình.
1. Làm kinh doanh và sở thích cùng lúc
“Nếu bạn làm những gì bạn yêu thích, bạn sẽ không bao giờ nghĩ là mình đang phải làm việc", thật đúng đấy chứ! Và, nghề nuôi cá cảnh cũng thế. Thay vì chỉ nuôi vài con hoặc một hồ để làm cảnh, sao bạn không thử với một trại cá, một trang trại đem lại nguồn doanh thu không hề nhỏ dành cho bạn?
Khi bạn đã quen với việc nuôi cá để làm cảnh, bạn sẽ biết đâu là những yêu cầu cơ bản để xây dựng một trại nuôi chuyên nghiệp. Không chỉ bạn biết nuôi chúng đúng cách, mà bạn cũng sẽ hiểu đâu là thị trường tốt nhất hoặc nếu có gặp bất kỳ trở ngại nào khác thì cũng có thể vượt qua và hoàn thành tốt chúng. Do đó, rất có khả năng bạn sẽ thành công trong mô kinh doanh này vì bạn biết mọi thứ cần thiết về nuôi cá và thậm chí bạn có thể không cần mua bất kỳ cuốn sách dạy nuôi cá cảnh nào cả.
2. Không yêu cầu quy mô lớn
Trong loại hình nuôi này, chất lượng là điều quan trọng nhất mà bạn cần chú ý. Nuôi cá cảnh không đòi hỏi phải có ao hồ quá lớn hoặc đầu tư cơ sở vật chất quá nhiều, bạn có thể chỉ cần vài bể kính, các thiết trị hỗ trợ lọc, cung cấp Oxi, CO2 … là đã có thể “set up” để thả nuôi.
Cá vàng là loài cá thông dụng trong nuôi cá cảnh.
3. Dễ quản lý và chăm sóc
Điều này không thật sự dễ dàng nhưng có thể nói là nhẹ nhàng hơn nghề nuôi cá thịt. Công tác quản lý và chăm sóc còn tùy thuộc vào việc bạn chọn đối tượng nuôi là loại cá nào, và những đòi hỏi về điều kiện nuôi cho loài đó. Nhìn chung, nuôi cá cảnh có lẽ là một trong những loại hình kinh doanh khá nhẹ nhàng dành cho bạn, vì không khó để nuôi chúng, miễn là bạn có kiến thức về sinh học và những thói quen cơ bản của loại mà bạn đang nuôi.
4. Không đòi hỏi nhiều nhân lực
Nuôi cá cảnh không thực sự đòi hỏi nhiều lao động chân tay. Bạn chỉ cần vài hồ nuôi là đã có thể thành lập doanh nghiệp nhỏ kinh doanh cá cảnh của riêng mình. Và dĩ nhiên, công tác quản lý các hồ cá này cũng khá đơn giản, nếu có bỏ công sức một chút thì đó là lúc bạn dọn vệ sinh hồ hoặc vận chuyển cá. Chăm sóc, cho ăn hay theo dõi cá cũng là những công việc đơn giản và nhẹ nhàng, có thể nói là thú vui hằng ngày nếu bạn bắt đầu từ đam mê.
5. Bạn đang gián tiếp tham gia bảo tồn quần thể cá đang nuôi
Bằng cách tham gia vào việc nuôi cá cảnh, điều này có nghĩa là bạn cũng đang tham gia vào những nỗ lực bảo tồn các loại cá cảnh. Không chỉ kiếm được lợi nhuận từ nó mà còn góp phần ngăn chặn chúng tuyệt chủng, nhất là với các loại cá cảnh quý hiếm.
Thủy bao nhãn - Loài cá "dị" được săn đón.
6. Nhu cầu cao về cá cảnh
Cá cảnh vẫn đang là cơn sốt ở nhiều nơi trên thế giới. Người mua không chỉ dùng vào mục đích làm vật nuôi, mà họ còn có nhu cầu trang trí ở văn phòng, nhà hàng, khách sạn, nuôi với mục đích phong thủy, kiến trúc... và vì chúng là các mục đích của sự thẩm mỹ hay tâm linh, cho nên giá cả dành cho những con cá này sẽ không có mức trần. Cùng với việc bán cá bạn cũng thể bán kèm các phụ kiện để tạo thành một hồ thủy sinh tuyệt đẹp. Với các chức năng đa dạng mà một bể cá mang lại, bạn sẽ không bao giờ thiếu người mua.
Loại cá để nuôi trong trang trại cá cảnh
Cá cảnh có rất nhiều loại, nhiều màu sắc khác nhau. Chúng thật sự rất đa dạng để bạn bắt đầu chọn đối tượng nuôi. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý rằng không phải loại nào cũng có nhu cầu ngoài thị trường, và giá cả sẽ hợp lý khi bán. Do đó, chúng tôi gợi ý đến bạn một vài loại cá có xu hướng phát triển trên thị trường, như: cá koi, cá dĩa, các loại cá nhiệt đới, cá thần tiên, cá vẹt, cá rồng, …Còn bây giờ, bạn hãy bắt tay vào việc xây dựng cho mình mô hình nuôi thương phẩm cá cảnh thôi nào, hãy hết lòng trong đam mê của bạn và sẽ sớm thôi, bạn chắc chắn thành công!