TIN THỦY SẢN

Nuôi cá chiên đặc sản trên sông Lô

Ảnh: internet Lam Ngọc

Xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang có địa hình dọc theo sông Lô, với 9 km sông chảy qua bốn thôn, cùng với hệ thống ao hồ tương đối lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để bà con nông dân trong xã đầu tư, phát triển thủy sản, nhất là nuôi cá chiên trong lồng. Đến nay, toàn xã có hơn 100 lồng cá, nhiều hộ nuôi từ bảy đến tám lồng, cho thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/năm.

Theo kinh nghiệm của người nuôi cá lồng nơi đây, để cá chiên đặc sản phát triển tốt, có thu nhập cao thì kết cấu lồng bè phải có phao bè chắc chắn, lồng nên làm bằng khung sắt V4, kết cấu thành lồng nên ghép bằng các đoạn ống nhựa đen có kích thước dài 4 m, rộng từ 2 đến 2,3 m; cao từ 1,1 đến 1,2 m. Địa điểm và vị trí hạ lồng bè phải có độ sâu ổn định từ 1,5 m trở lên, hạ lồng chìm sâu 0,8 m, và nền đáy sông là nền cát sỏi càng tốt. Đặc biệt chú ý đến vận tốc nước chảy tối thiểu từ 20 cm/giây, giúp cho nguồn nước trong lồng được lưu thông đều đặn.

Về con cá giống phải chọn những con cá khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không xây xước, không dị tật, không nhiễm bệnh, cá thả lồng phải có kích thước chiều dài từ 15 cm trở lên, mật độ thả từ 8 đến 10 con/m2 lồng. Sau khi thả cá từ một đến hai ngày thì cho cá ăn. Thức ăn của cá chiên phải là cá tạp, tôm tươi, lượng cho ăn bằng 5% khối lượng cá trong lồng. Kích cỡ mồi băm thái phải nhỏ hơn miệng cá. Trước khi cho cá ăn nên dùng nước muối tỷ lệ 0,3 đến 0,4% hòa nước rửa thức ăn, sau đó dùng tay quãi 30% lượng thức ăn vào trong lồng, còn lại 70% rải đều vào trong khay đựng thức ăn và từ từ hạ xuống để tránh sự va chạm khi cá tranh mồi. Khay đựng thức ăn được đóng bằng khung gỗ cao 5 cm, dài 80 cm, rộng 80cm, và dùng lưới cước mắt dày nẹp chặt làm đáy và dùng dây mềm buộc làm quang treo, hạ khay vào lồng treo, đáy khay cách đáy lồng 20 cm. Sau khi cho cá ăn khoảng một đến hai giờ thì nhấc khay lên kiểm tra mồi để bữa sau điều chỉnh lượng mồi. Thời gian cho cá ăn cách một ngày cho ăn một bữa và nên cho ăn vào buổi chiều tối.

Quá trình chăm sóc cá, người nuôi phải thường xuyên lội xuống kiểm tra lồng và kiểm soát cá để kịp thời phát hiện những biến động bất thường trong lồng cá. Nhất thiết mỗi một bè dù nhiều hay ít lồng đều phải có một lồng nhỏ khoảng 2 đến 3 m2 để chứa cách ly những con cá bị bệnh để điều trị. Tất cả các lồng đều phải dùng túi vôi treo ở phần đáy trước lồng, riêng lồng cách ly phải hạ ở cuối bè và ở đầu, cuối lồng cách ly phải có túi vôi khử trùng. Trường hợp cá chết do dịch bệnh phải vớt mang lên bờ đào hố quãi vôi và chôn chặt không được ném ra sông để bảo đảm vệ sinh môi trường chung.

Lam Ngọc Báo Nhân Dân, 24/01/2017