Nuôi cá chình trên sông Son
Không chỉ là nơi có Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) còn nổi tiếng với nghề nuôi cá lồng trên sông Son.
Gần đây, người dân nuôi thử nghiệm thành công cá chình lồng, mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi cá trên dòng sông gắn với Di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng.
Sông Son chảy qua xã Sơn Trạch với chiều dài gần 12 km, là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông. Toàn xã có 313 hộ nuôi cá lồng với gần 400 lồng, chủ yếu là các loại cá trắm cỏ, rô phi, cá trôi... với sản lượng thu hoạch hơn 230 tấn/năm.
Bình quân, mỗi lồng nuôi 200 con/lồng, khi thu hoạch, cá đạt trọng lượng 6-8 kg/con. Hộ nuôi cá thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/lồng/năm. Nhờ các hoạt động du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng phát triển trong những năm gần đây nên nghề nuôi cá lồng trên sông Son được xem là hướng phát triển kinh tế ổn định của xã Sơn Trạch.
Hệ thống sông ngầm Phong Nha (đầu nguồn của sông Son) nổi tiếng với loại cá chình. Nhiều người cho rằng, đến tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng mà chưa thưởng thức loại cá da trơn đặc sản này thì coi như chưa đến Phong Nha. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch Trần Ðức Bình cho biết, Phong Nha - Kẻ Bàng được biết đến là quê hương của loài cá chình ngon nổi tiếng, nhưng hiện nay lượng cá tự nhiên bị sụt giảm nghiêm trọng do nhiều người đánh bắt theo lối tận diệt. Nhất là từ khi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đưa cá chình vào danh sách các loại động vật cần được bảo tồn thì việc khai thác loại cá này bị nghiêm cấm. Vì vậy, cá chình trên thị trường khan hiếm và đắt hơn, lúc cao điểm giá cá chình lên tới 500 - 600 nghìn đồng/kg. Sông Son đoạn qua xã Sơn Trạch có nhiều vực sâu, nước sông trong mát gần giống với môi trường sống tự nhiên của loài cá này. Ðây là điều kiện lý tưởng để nuôi cá chình dọc sông Son. Mặt khác, nhằm bảo tồn và phát triển loại cá đặc sản của địa phương, đồng thời giúp người dân nâng cao hiệu quả của nghề nuôi cá lồng, xã Sơn Trạch chủ trương nuôi thử nghiệm cá chình lồng.
Tháng 8-2011, xã Sơn Trạch tổ chức đoàn tham quan tại Hải Lăng (Quảng Trị) để học tập kinh nghiệm nuôi cá chình lồng; đồng thời hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ cho hai hộ là ông Hoàng Văn Thái ở thôn Xuân Tiến và ông Nguyễn Văn Ðệ thôn Gia Tịnh thử nghiệm nuôi cá chình lồng trên sông Son. Sau khi tham quan, tập huấn kỹ thuật, từ tháng 9 đến tháng 10-2011, gia đình ông Thái thả nuôi 150 con cá chình giống, trọng lượng khoảng 330 g/con, giá cá giống 150 nghìn đồng/kg. Sau hơn năm tháng nuôi, cá chình đạt trọng lượng khoảng 1,1 kg/con. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trong quá trình nuôi, cá chình thích ứng với điều kiện nuôi trong lồng, sinh trưởng tốt, bình quân tăng được 120 g/tháng. Theo ông Hoàng Văn Thái, khó nhất khi thực hiện mô hình nuôi cá chình trong lồng là phải mua cá giống từ việc khai thác tự nhiên (do không có nguồn cung cấp cá chình giống sinh sản nhân tạo) nên kích cỡ cá không đồng đều dẫn đến cá lớn cắn cá bé khi nuôi; hoặc cá giống khai thác theo kiểu thả câu nên độ rủi ro rất cao. Mặt khác, việc chuẩn bị thức ăn cho cá chình cũng không dễ như các loại cá ăn tạp khác, do loại cá này chỉ ăn thức ăn tươi như giun đất, cua đồng, cá bống đen... Ngoài ra, cá chình chỉ sống ở tầng nước sâu, nhạy cảm với tiếng động nên tuyệt đối tránh làm động khiến cá bỏ ăn dài ngày.
Hiện tại, ở xã Sơn Trạch đã có năm lồng cá chình do năm hộ dân ở các thôn Xuân Tiến, Gia Tịnh đầu tư nuôi với số lượng từ 100 đến 150 con/lồng. Nhiều lồng cá đạt trọng lượng 1,5 kg/con. Các hộ nuôi cá chình đã nhận được "đơn đặt hàng" từ các chủ nhà hàng ở Ðồng Hới và khu vực Phong Nha. Chị Ngọc Lan, một chủ nhà hàng tại thành phố Ðồng Hới cho biết, nghe tin nhiều hộ dân ở Sơn Trạch nuôi được cá chình, tôi muốn đến xem tận nơi, nếu được có thể đặt hàng luôn. Hiện tại trên thị trường ở Quảng Bình, cá chình đều đánh bắt tự nhiên nhưng nay rất ít hoặc trọng lượng nhỏ, khó đáp ứng yêu cầu của khách. Nếu nuôi các chình ở tầng nước sâu, trong lành như ở sông Son thì chất lượng cá chắc chắn sẽ không thua kém cá tự nhiên.
Mặc dù cá chình là đối tượng nuôi mới, lần đầu được đưa vào nuôi lồng ở Quảng Bình và đang trong quá trình nuôi thử nghiệm, song triển vọng thành công của loại cá đặc sản này là rất cao. Từ đó sẽ mở ra hướng đi mới, hiệu quả đối với nghề nuôi cá lồng ở xã Sơn Trạch.